Ít người xin việc, doanh nghiệp ở Bình Dương không kén chọn lao động
VOV.VN - Thời điểm sau Tết Nguyên đán, rất nhiều lao động nhảy việc để tìm việc làm mới, hoặc từ các nơi đổ về Bình Dương xin việc. Nhưng năm nay, người xin việc ít trong khi nhu cầu tuyển dụng tương đối nhiều, nên không còn tình trạng doanh nghiệp "dửng dưng", kén chọn lao động.
Doanh nghiệp khó tuyển dụng
Nếu như những năm trước ở Bình Dương, sau Tết Nguyên đán không khó để bắt gặp hình ảnh dòng người cầm hồ sơ đi xin việc, chờ đợi doanh nghiệp tuyển dụng thì nay lại vắng bóng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, hoặc mới thành lập đang cần tuyển số lượng lớn lao động.
Cũng chính sự chênh lệch cung-cầu lao động nên doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng. Để người lao động biết và tìm đến nộp hồ sơ, doanh nghiệp đã dán bảng tuyển dụng trước công ty, hoặc đặt bảng tuyển dụng ở đầu đường vào các khu công nghiệp.
Ông Phạm Văn Ngà, nhân sự Công ty nội thất The One chi nhánh Bình Dương cho biết, năm nay, công ty có thêm đơn hàng nên cần khoảng 100 công nhân. Trong ngày mùng 10 Tết, nhân sự công ty chia thành 2 nhóm đứng ở khu công nghiệp Đại Đăng (TP. Thủ Dầu Một) và Nam Tân Uyên (TP. Tân Uyên) nhưng mới chỉ tuyển được ít người: “Sáng giờ, ngồi đây chỉ có 3,4 người lại hỏi, tham khảo, không biết có làm không nhưng mình cứ nhận hồ sơ của họ. Có thể người dân ở quê chưa lên nên ít người xin việc, có lẽ sau Rằm tháng Giêng họ mới lên đầy đủ. Công ty chắc phải qua tháng 2 mới tuyển được đủ người”.
Còn đối với Công ty TNHH Dũng Hào, đợt này công ty cần khoảng 200 công nhân cho chuyền sản xuất mới. Thế nhưng, từ mùng 6 Tết đến nay chỉ mới tuyển được khoảng 30 người. Hiện nay, nhân sự công ty cũng đang cố gắng tuyển đủ để doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, nhân viên phòng nhân sự Công ty TNHH Dũng Hào cho biết, công ty ưu tiên cho công nhân có tay nghề, kể cả những người trên 40 tuổi. Nếu không có người làm sẽ chuyển hướng sang tuyển trước, đào tạo sau: “Nếu như công nhân có tay nghề thì sẽ thử và kiểm tra lại, đủ điều kiện sẽ tuyển dụng, nếu như chưa có tay nghề sẽ đào tạo. Sáng nay (mùng 11 Tết) vẫn chưa thấy đông người xin việc. Công ty chưa đặt mục tiêu mà tuyển cho đến khi nào đủ sẽ ngưng”.
Nhiều cơ hội việc làm
Nhiều cơ hội việc làm nhưng ít lao động ứng tuyển nên ở Bình Dương không còn tình trạng doanh nghiệp kén chọn lao động như trước đây. Đây cũng là cơ hội cho lao động không có tay nghề, lớn tuổi.
Chị Lê Thị Thuận (47 tuổi, quê Bình Phước) cho biết, trước đó chị buôn bán nhỏ lẻ ở quê nhà nhưng mấy nay ế ẩm nên đến Bình Dương xin làm công nhân. Chị không cần gì nhiều chỉ cần có việc, có lương ổn định để lo cho con ăn, học: “Mức lương công ty cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu chứ không đòi hỏi. Giờ đang ngồi chờ, nếu nhận thì mình làm, không thì đi kiếm việc khác. Về Bình Phước buôn bán thì ế ẩm".
Theo dự báo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, năm 2024, toàn tỉnh có 8.000 doanh nghiệp tuyển dụng hơn 60.000 lao động. Một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn, trong đó có dệt may; điện tử; sản xuất sản phẩm từ gỗ… Từ đó cho thấy tín hiệu vui cho năm 2024 khi các doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng trở lại.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn lao động, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh thu thập thông tin việc làm trống của các doanh nghiệp để tuyên truyền đến người lao động. Đồng thời tăng cường tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, kết nối cung - cầu lao động.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương đã kết nối chặt chẽ với hệ thống trung tâm trên toàn quốc, qua đó điều tiết lao động từ các nơi về Bình Dương: "Chúng tôi cũng có sự kết nối giữa doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, cũng như doanh nghiệp cắt giảm để điều tiết qua những nơi có nhu cầu cho phù hợp, đáp ứng. Hiện nay, chúng tôi cũng có kênh kết nối chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học trên địa bàn để cho học viên, sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng tham gia vào quá trình tuyển dụng của doanh nghiệp".
Lực lượng lao động về tỉnh Bình Dương tìm việc không nhiều cho thấy sự dịch chuyển lao động khi các tỉnh, thành đều có khu công nghiệp đã có ảnh hưởng đến tỉnh này. Để lao động đầu quân các doanh nghiệp ở Bình Dương phải có chế độ, chính sách thật tốt. Đối với tỉnh Bình Dương cũng nên có thêm giải pháp thu hút, giữ chân lao động.