Ít nhất 38 người chết vì bão số 9

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương: đến 6h sáng 30/9, bão số 9 đã làm ít nhất 38 người chết, 10 người mất tích và 81 người bị thương.  

>> Miền Trung khắc phục hậu quả sau bão số 9

Vấn đề đầu tiên được các thành viên Chính phủ đặc biệt quan tâm tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra sáng 30/9 tại Văn phòng Chính phủ là diễn biến và thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp cùng các địa phương trong vùng bão khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, khôi phục nhanh nhất đời sống và sản xuất, đồng thời quyết liệt đối phó với lũ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết, gần 5.800 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi; hơn 125.000 căn nhà bị ngập nước… Nhiều đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến quốc lộ bị ngập nước, sạt lở gây ách tắc giao thông. Lưới điện 110KV, 220KV và 500KV cũng bị sự cố tại nhiều đoạn. Bão số 9 cũng đã phá hỏng hơn 180 đập thuỷ lợi, gây ngập ứng trên 1.600 ha diện tích nuôi cá, tôm ở các tỉnh, thành trong vùng bão.

Đáng lo ngại là lũ trên các sông ở các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của bão đều tăng trên mức báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, nhất là tại các khu vực thấp trũng ven sông, các vùng địa hình chia cắt làm cô lập nhiều khu vực dân cư.

Biển quảng cáo bị gió đánh tả tơi

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, mặc dù lực lượng trực thăng của quân đội đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ nhưng đến tận sáng nay mưa vẫn to nên chưa thể cất cánh đến các vùng bị chia cắt để cứu trợ nhân dân đang bị cô lập.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị chết và bị thương, bị thiệt hại về nhà cửa và tài sản. Cùng với yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng bão tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác khắc phục hậu quả do cơ bão số 9 gây ra và chủ động phòng chống lũ đang lên cao theo tinh thần công điện khẩn số 1822/CĐ-TTg ngày 29/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng của bão huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích và cứu chữa người bị thương; kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Thủ tướng nêu rõ: Các địa phương nắm chắc tình hình, chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương và lương thực dự trữ để cứu trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại và nhân dân vùng bị cô lập, dứt khoát không để người dân nào bị đói do thiếu lương thực.

Thủ tướng giao Uỷ ban quốc gia tìm kiến cứu nạn khẩn trương huy động phương tiện đến các vùng bị cô lập để cứu trợ kịp thời cho nhân dân. Các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng khôi phục các tuyến đường sắt, đường không, quốc lộ và lưới điện bị hư hỏng; bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và kiểm soát tránh không để đầu cơ tăng giá; đảm bảo an toàn các công trình hồ đập thủy lợi; chuẩn bị đủ giống cây trồng phục hồi sản xuất, nhất là sản xuất vụ Đông.

Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế cử các đoàn trực tiếp đến các địa phương vùng lũ để hướng dẫn, giúp đỡ công tác y tế và đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh bùng phát và lây lan. Các Bộ, ngành trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động giúp đỡ các địa phương khắc phục nhanh nhất hậu quả do bão lũ gây ra.

Qua công tác phòng chống cơn bão số 9 lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương nỗ lực của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống bão, lũ, nhất là kiên quyết di dời gần 400.000 dân ra khỏi vùng nguy hiểm nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại, đồng thời kêu gọi hơn 46.000 tàu thuyền về nơi trú bão an toàn nên đến nay chưa có thiệt hại về người trên biển.

Kinh nghiệm rút ra là phải làm tốt công tác dự báo, xây dựng phương án chỉ đạo và thực hiện phòng chống chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ cũng đã quyên góp ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do cơn bão số 9. Văn phòng Chính phủ cũng đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra.

Đã tiếp cận và cung cấp lương thực, nước uống cho những người bị kẹt trên đèo Lò Xo

Mưa làm sạt lở đất đá trên đường Hồ Chí Minh nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông khiến 1 chiếc ô tô khách với gần 60 người và một số người đi xe gắn máy bị mắc kẹt giữa đèo Lò Xo, thuộc địa phận huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, và không thể quay trở lại về hướng tỉnh Quảng Nam, hoặc đi tiếp đến Kon Tum, trong khi không có dự trữ về lương thực, nước uống từ hôm qua (29/9).

Những hành khách này đã điện thoại liên lạc với Đài TNVN qua đường dây nóng. Qua thông tin của Đài, ngay đêm 29/9, tỉnh Kon Tum đã cử Đại tá Võ Thanh Chín, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, phụ trách đơn vị đi ứng cứu những người bị kẹt trên đèo Lò Xo. Sáng 30/9, Đại tá Võ Thanh Chín cho biết: Từ 12 giờ đêm qua, 12 người mang theo mỳ tôm, nước uống… lên ứng cứu nhưng xe chỉ đi được 17km, sau đó mọi người phải đi bộ. Đến sáng nay vẫn không có thông tin gì. Liên lạc đến nay mất hoàn toàn, sóng điện thoại cũng bị cắt. Hiện trời đã tạnh mưa. Ngành Giao thông Vận tải đang huy động lực lượng giải quyết những tuyến đường bị chia cắt.

Theo thông tin mới nhất, đến chiều nay (30/9), đơn vị đi ứng cứu của tỉnh Kon Tum đã tiếp cận và cung cấp lương thực, nước uống cho những người bị kẹt tại đèo Lò Xo. Tuy nhiên, do địa hình khó khăn nên hiện chưa thể đưa những người bị kẹt ra khỏi khu vực này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên