Kết quả xác minh vụ việc lao động Việt Nam kêu cứu tại Nhật Bản
VOV.VN - Sau khi xác minh và kiểm tra vụ việc mà lao động gửi phản ánh các điều kiện làm việc ở tại Nhật Bản cho thấy những thông tin này là không chính xác.
Tiếp tục thông tin về vụ việc liên quan đến hàng chục lao động Việt Nam kêu cứu tại Nhật Bản ngày 15/3 vừa qua, hôm nay (22/3), trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) khẳng định:
Sau khi xác minh và kiểm tra vụ việc mà lao động Nguyễn Quang Hưng gửi đến Ban bảo hộ công dân (Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản), phản ánh các điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt của người lao động tại Nhật Bản không như các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng với Công ty sử dụng lao động cho thấy những thông tin này là không chính xác.
Hình ảnh về Nhóm lao động Việt Nam tại Công ty Sainan do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cung cấp. |
PV: Thưa ông, đến nay kết quả kiểm tra, xác minh vụ việc lao động Việt Nam tại Nhật Bản làm đơn kêu cứu đến Ban bảo hộ công dân (Đại sứ quán Việt Nam) tại Nhật Bản cụ thể ra sao?
Ông Tống Hải Nam: Vừa rồi, đại diện Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã xuống tận tỉnh Iwate để thăm nhà máy Seinan- nơi có những lao động Việt Nam đang làm việc mà có đơn của anh Hưng gửi lên mạng xã hội cũng như là Ban bảo hộ công dân (Đại sứ quán Việt Nam) tại Nhật Bản kêu cứu về tình trạng đối xử cũng như các điều kiện ăn ở rất khó khăn.
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, thì thực tế khi xuống nhà máy Seinan, tỉnh Iwate thấy điều kiện làm việc cũng như ăn ở của anh em lao động ở đó không như những gì mà anh Hưng đã đưa lên trang mạng xã hội cũng như là đơn kêu cứu gửi đến Ban bảo hộ công dân (Đại sứ quán Việt Nam) tại Nhật Bản.
Cụ thể, theo thông tin mà Đại sứ quán cung cấp về thì có 33 lao động đi theo dạng kỹ sư thực hành, thông qua nhà máy của Công ty sử dụng lao động là Freesia House Corporation sang làm việc tại Nhật Bản và ở 3 địa điểm khác nhau. Ở nhà máy Seinan, tỉnh Iwate có 9 lao động, gồm cả anh Hưng và 8 lao động khác.
Qua thực địa thì Ban quản lý lao động Việt Nam thấy rằng, điều kiện làm việc của người lao động không như những gì anh Hưng dã kêu cứu. Thực tế, 8 lao động khác đã biết các điều kiện làm việc cũng như điều kiện ăn ở trước khi được đưa sang làm việc tại Nhật Bản, nên có thể nói những thông tin mà anh Hưng đưa lên mạng xã hội cũng như trong đơn kêu cứu là những thông tin 1 chiều, những thông tin của cá nhân anh Hưng chứ không mang tính đại diện cho những lao động Việt Nam được Công ty Freesia House Corporation đưa sang làm việc tại Nhật Bản theo hình thức kỹ sư thực hành theo hợp đồng cá nhân mà Công ty ký với người lao động.
PV: Vậy hiện nay các điều kiện về ăn ở, sinh hoạt, nghỉ lễ và chế độ tiền lương của người lao động tại Công ty này thực tế như thế nào, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam: Thực tế, theo báo cáo của Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản thì những lao động Việt Nam được đưa sang làm việc tại Nhật Bản thông qua Công ty Freesia House Corporation là 33 lao động và được đưa đến 3 nhà máy làm việc. Ở Nhà máy Seinan ở tỉnh Iwate người lao động làm việc trong điều kiện tương đối đảm bảo, theo đúng quy định của luật pháp Nhật Bản và những hợp đồng đã ký kết trước khi được đưa sang Nhật Bản làm việc.
Cụ thể, theo thông tin mà người lao động cho biết thì mức thu nhập của họ là khoảng 200.000 Yên/tháng. Sau khi trừ tiền ở, tiền ăn và tiền sinh hoạt hàng tháng, mỗi lao động có thể tiết kiệm được từ 100.000 - 120.000 Yên/tháng. Đây là mức thu nhập tôi nghĩ cũng bảo đảm.
Còn về điều kiện ăn ở của người lao động thì trong phản ánh của anh Hưng nói là tất cả người lao động phải ăn cơm gạo lức – thì đấy có thể là truyền thống của Nhật Bản, bởi chúng tôi quản lý lao động tại Nhật Bản thì cũng được biết không phải chỉ có mỗi nhà máy này, mà có nhiều nhà máy người ta có truyền thống ăn gạo lức.
Về việc lao động bị khấu trừ tiền nhà ở theo đơn phản ánh, rồi khấu trừ tiền ăn theo đơn của anh Hưng là đúng- nhưng tất cả những lao động (mà ở đây là 8 lao động còn lại) đều nói là những việc này đều đã được thông báo từ lúc trước khi sang làm việc tại Nhật Bản. Tức là ngay tại thành phố Hồ Chí Minh, khi lao động ký hợp đồng đã được chủ sử dụng lao động thông báo những khoản sẽ phải khấu trừ và sẽ làm việc trong điều kiện như thế nào. Vì vậy, người ta nói là không bị bất ngờ.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến người lao động lại gửi đơn kêu cứu không đúng thực tế như vậy?
Ông Tống Hải Nam: Đây là vấn đề cá nhân của anh Hưng mà theo tìm hiểu của Ban quản lý lao động Việt Nam tại Nhật bản thì do anh ấy không hài lòng vì công việc, mong muốn công việc nhẹ nhàng hơn, không tự chủ trong công việc, nhiều khi phải có sự chỉ đạo, dẫn dắt, bảo ban của người Nhật thì anh ấy mới chịu làm.
Ngay trong công việc, anh Hưng cũng không chịu học tiếng Nhật để có thể giao tiếp hoặc là hiểu những chỉ đạo của người điều hành công việc, dẫn tới anh Hưng không phù hợp với công việc. Chính vì vậy, ngày 1/3 vừa rồi, Công ty sử dụng lao động có tuyên bố anh Hưng không phù hợp với lao động Nhật Bản tại Công ty, nên họ đã đề nghị cho anh Hưng về nước. Đến ngày 14/3 vừa qua, đại diện công ty đã đưa anh Hưng lên Tokyo để làm các thủ tục đưa về nước.
Tôi nghĩ đấy chính là lý do vì sao mà anh Hưng đã bức xúc, đưa ra đơn kêu cứu gửi đến Ban bảo hộ công dân (Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản) cũng như là đưa thông tin không hoàn toàn chính xác lên mạng xã hội, gây ra dư luận không tốt về việc lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản mà cụ thể là ở nhà máy Seinan ở tỉnh Iwate nói riêng cũng như là hình ảnh lao động Việt Nam hiện nay đang làm việc tại Nhật Bản nói chung.
PV: Để tránh sự việc tương tự thì công tác tuyển chọn, đào tạo và tuyên truyền cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần chú trọng vào những vấn đề gì, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam: Thực tế thị trường Nhật Bản qua công tác quản lý và theo dõi của chúng tôi thì những lao động đi theo các doanh nghiệp phái cử theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề- thực tập sinh kỹ năng, thì hầu hết những lao động ấy đều đã được các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đưa sang làm việc tại Nhật Bản.
Lao động đều đã được thông tin đầy đủ về văn hóa, phong tục, luật pháp của Nhật Bản cũng như nội dung, quy định của nơi sẽ đến làm việc, các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng mà người lao động sẽ phải tuân thủ.
Đối với những lao động đi thông qua các công ty phái cử mà được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp phép, thì tất cả các công ty trước khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trước khi tiến hành tuyển dụng đều phải có những thông tin công khai, minh bạch các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng mà người lao động sẽ phải tuân thủ. Vì vậy, tỷ lệ những lao động kém chất lượng tại Nhật Bản đi thông qua các công ty phái cử không nhiều.
PV: Xin trọng cảm ơn ông!./.