Khách sạn Sa Pa kêu mất hình ảnh do nâng cấp đô thị: Nhà thầu lên tếng
VOV.VN - Các nhà thầu thừa nhận, trong quá trình thi công đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống, kinh doanh của các hộ dân trên địa bàn Sa Pa, ảnh hưởng tới du khách.
Sau phản ánh của VOV về việc hàng loạt khách sạn tại Sa Pa đang mất dần hình ảnh, sa sút doanh số nghiêm trọng do ảnh hưởng của việc cải tạo, nâng cấp đô thị, đại diện các nhà thầu tham gia thi công đã lên tiếng về vấn đề này.
Lòng đường hẹp, dân cư và du khách đông đúc gây khó khăn cho việc thi công.
Theo đó, việc xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị Sa Pa đang được triển khai trên 11 tuyến đường phố nội thị, do liên doanh nhà thầu Cotabig – Hoàng Liên Thanh và Zodiac cơ điện thực hiện. Thời gian triển khai theo hợp đồng là 900 ngày, kể từ ngày 02/7/2018 đến 31/10/2020.
Hiện, giai đoạn đầu chủ yếu là phần hạ tầng mặt đường, vỉa hè và hệ thống hào, cống do hai nhà thầu Cotabig và Hoàng Liên Thanh đảm nhiệm, trước mắt triển khai thi công trên 6 tuyến phố gồm Hàm Rồng 1, Xuân Viên, Cầu Mây, Fansipan, Tuệ Tĩnh 2 và Đồng Lợi. Quá trình thi công đã đạt được những tiến độ nhất định, tuy nhiên gắn với đặc thù của khu du lịch Sa Pa nên cũng gặp không ít khó khăn.
Theo ông Lại Văn Anh, đại diện nhà thầu Cotabig, trước hết, ở một địa bàn có điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt như Sa Pa, thường xuyên có mưa, sương mù dày đặc, nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm lớn đã là một cản trở lớn đối với các đơn vị thi công.
Địa chất chủ yếu là đá cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc thi công gặp khó. |
Bên cạnh đó, do địa chất của Sa Pa vô cùng phức tạp, chủ yếu là đá nên việc đào hào, cống ngầm hết sức nan giải. Chưa kể, việc thi công ngay tại vị trí đô thị trung tâm, để phá được số đá này, các đơn vị vừa phải dùng búa căn thay cho phương pháp nổ mìn, vừa không thể thi công về đêm để tránh ảnh hưởng tiếng ồn tới cư dân và du khách.
Mặt khác, các tuyến thi công chủ yếu đều nhỏ hẹp, khó huy động cùng lúc nhiều máy móc, nhân lực, phải thi công lần lượt từng bên đường để đảm bảo người và phương tiện nhỏ vẫn có thể qua lại được. Ngoài ra, do đặc thù chính sách thu hút du lịch của Sa Pa, vào mỗi cuối tuần, các dịp lễ tết hay khi có sự kiện lớn diễn ra, việc thi công thường phải tạm dừng để giảm thiểu phiền hà tới du khách.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hạnh, đại diện nhà thầu Hoàng Liên Thanh, do tính chất nâng cấp, cải tạo nên quá trình thi công còn phát sinh những vấn đề như phải ưu tiên thi công đồng bộ mạng lưới thu gom nước mặt trước, vì hệ thống cũ này ở Sa Pa đã không còn hiệu quả, nhất là vào những ngày mưa lớn, nước chảy như suối cản trở trực tiếp tới việc thi công.
Thêm vào đó, khi thi công tại các vỉa hè, mặt tiền các hộ dân, cơ sở kinh doanh cần phải có sự thỏa thuận, hợp tác giữa hai bên thì việc liên hệ với chủ nhà cũng gặp không ít khó khăn, vì đa phần đều là nhà cho thuê.
Đại diện các nhà thầu cũng thừa nhận, trong quá trình thi công khó tránh khỏi phần nào làm ảnh hưởng tới cuộc sống, kinh doanh của các hộ dân trên địa bàn Sa Pa, cũng như ảnh hưởng tới du khách đến.
Trên tinh thần thi công theo phương án “cuốn chiếu” tới đâu gọn tới đó, các nhà thầu cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Nhắm tới mục đích cuối cùng là một đô thị Sa Pa khang trang, sạch đẹp hơn trong thời gian tới./.
Do nâng cấp đô thị, hàng loạt khách sạn tại Sa Pa bị mất hình ảnh
Nữ hành khách bị hành hung trên xe Sa Pa - Hà Nội: Nhà xe lên tiếng
Ảnh: Du khách đổ lên Sa Pa “săn” băng tuyết, ga cáp treo Fansipan quá tải