Khánh Hòa nỗ lực đưa 2 huyện miền núi ra khỏi danh sách huyện nghèo

VOV.VN - Khánh Hòa là địa phương có kinh tế phát triển khá nhưng hiện vẫn còn 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Tỉnh Khánh Hòa đang triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm đưa 2 địa phương này ra khỏi danh sách huyện nghèo. 

Gia đình ông Đồng Văn Dũng, người dân tộc Tày, ở thôn Tà Mơ, xã Khánh Thành, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là một trong số ít hộ dân trong thôn vừa thoát khỏi hộ nghèo. Tà Mơ là thôn đồng bào dân tộc thiểu số, có 280 hộ thì số hộ nghèo chiếm đến 70%. Nhiều năm qua, nghèo khó cứ đeo bám gia đình ông Dũng. Hằng ngày, ngoài nuôi trâu, heo, gà... cả gia đình ông đi làm thuê. Năm 2016, ông Dũng chuyển mạnh sang trồng bưởi da xanh. Ông Đồng Văn Dũng cho biết, đến nay, gia đình có vườn bưởi rộng 1 ha, đàn trâu gần 10 con cho tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. 

“Thu nhập từ bưởi cũng được một ít, sau đó, nuôi lợn, nuôi gà. Phải nỗ lực, mình làm được thì mình phải tiết kiệm. Cái gì cần mua, mình mới mua. Bữa mình đi làm thợ hồ, thợ xây về mình cũng gom để đó...”- ông Dũng nói.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có gần 12.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 3,9%/tổng số hộ dân toàn tỉnh, tập trung chủ yếu tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Khánh Sơn là 47%, huyện Khánh Vĩnh là 45%.

Chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%/năm. Theo đó, tỉnh này tập trung chăm lo công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, quyết tâm đưa 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát nghèo. Ông Mấu Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh cho biết, địa phương đang hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao, đồng thời, đẩy mạnh dạy nghề để tạo việc làm cho bà con. 

“Để thực hiện thành công Nghị quyết phải giảm nghèo, mỗi năm phải giảm được 4-5%. Khi thực hiện Nghị quyết 09, phải tăng giá trị trên diện tích đất, vươn lên làm giàu chính đáng. Huyện ủy đã có chỉ thị, không được phân lô, bán nền hay bán đất, sẽ làm mất tư liệu sản xuất. Cuối cùng nghèo chúng ta vẫn tiếp tục nghèo. Bán nó đi lấy gì mà sản xuất nữa”- ông Mấu Văn Phi cho biết.

Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng Cụm công nghiệp tại huyện miền núi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, tuyển dụng lao động địa phương. Ngành Lao động Thương binh và Xã hội của tỉnh, huyện thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động 2 huyện miền núi. Năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để đưa đồng bào miền núi đi làm việc tại nước ngoài. Ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, phấn đấu năm nay đưa 200 người đi xuất khẩu lao động. 

“Chỉ có lao động ở nước ngoài mới có thể thoát nghèo. Bởi người lao động ở hai huyện miền núi, đi thị trường lao động nước nghèo sẽ giúp được cho gia đình, giúp cho họ có nguồn thu nhập rất cao. Đồng thời, qua thời gian đi làm như vậy sẽ có tay nghề, tạo được nguồn lao động có chất lượng. Quay về có thể đóng góp cho thị trường lao động. Như vậy có tính khả thi hơn”- ông Chu Văn Công cho biết.

Tỉnh Khánh Hòa đã và đang phấn đấu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về thực hiện tốt chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, cho phép sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để hỗ trợ 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh tập trung xây dựng chương trình giảm nghèo theo hướng tiếp cận đến từng hộ dân. 

“Không thể để một thành phố hiện đại mà bà con người đồng bào không có công ăn, việc làm mà còn rất khổ. Có bao nhiêu trong mấy trăm hộ đó thì phải chỉ cho ra, mỗi hộ ngày có bao nhiêu lao động? Một lao động đi vào làm nhà máy, một lao động sản xuất tại chỗ, để tính ra xem như thế nào. Giao chỉ tiêu rõ ràng cho từng hộ gia đình, đoàn thể, phải bám vào để giảm nghèo. Còn cơ sở hạ tầng thì sẵn sàng”- ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phê duyệt 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn
Phê duyệt 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn

VOV.VN - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 18/3/2022 phê duyệt Danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Phê duyệt 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn

Phê duyệt 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn

VOV.VN - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 18/3/2022 phê duyệt Danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Gia Lai đặt mục tiêu giảm 2% hộ nghèo trong năm 2022
Gia Lai đặt mục tiêu giảm 2% hộ nghèo trong năm 2022

VOV.VN - Theo Kế hoạch 314/KH-UBND về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2022 mới ban hành, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương, đơn vị triển đồng bộ các giải pháp để giảm 2% tổng số hộ nghèo và 3% số hộ nghèo dân tộc thiểu số tại tỉnh trong năm nay.

Gia Lai đặt mục tiêu giảm 2% hộ nghèo trong năm 2022

Gia Lai đặt mục tiêu giảm 2% hộ nghèo trong năm 2022

VOV.VN - Theo Kế hoạch 314/KH-UBND về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững năm 2022 mới ban hành, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương, đơn vị triển đồng bộ các giải pháp để giảm 2% tổng số hộ nghèo và 3% số hộ nghèo dân tộc thiểu số tại tỉnh trong năm nay.