Khi nào người tiêu dùng mới thoát khỏi nỗi lo về thực phẩm không an toàn?
VOV.VN - Thực phẩm bẩn, không an toàn “đội lốt” vào siêu thị; Người tiêu dùng phải mua giá trên trời nhưng chất lượng lại là “hàng chợ”, điều này khiến nhiều người mất lòng tin về chất lượng sản phẩm khi mua trong siêu thị.
Từ nhiều năm nay, siêu thị, cửa hàng tiện ích, mini mart… là những những kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, nhiều người sẵn sàng chi thêm tiền để chọn mua những sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, sau một số vụ, rau được gom ở chợ “biến” thành rau sạch “bước chân” vào siêu thị bị phanh phui, nhiều người tiêu dùng bị “sốc” và mất lòng tin về chất lượng an toàn thực phẩm.
Vẫn biết “con sâu làm rầu nồi canh”, bên cạnh những siêu thị làm ăn chân chính thì vẫn có những siêu thị vì lợi nhuận trước mắt mà lừa dối khách hàng. Nhiều người tiêu dùng cảm thấy bức xúc vì phải trả giá cao nhưng sản phẩm mua về không như mong đợi.
Mua giá “trên trời” nhưng chất lượng lại là “hàng chợ”
Bà Đặng Thu Hòa (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay, lo ngại tình trạng rau, củ, quả có dư lượng thuốc bảo vệ cũng như các loại hoá chất kích thích tăng trưởng khác, nên từ nhiều năm nay bà hạn chế mua tại chợ truyền thống mà thường vào mua tại các siêu thị, mini mart hoặc các cửa hàng bán rau sạch. Bà Hòa đặt niềm tin gần như tuyệt đối vào các hệ thống mua sắm này, bởi bà nghĩ, hàng thực phẩm tại đây đã qua nhiều khâu kiểm duyệt chất lượng, độ an toàn cũng như nguồn gốc xuất xứ nên sẽ yên tâm hơn nhiều…
Tuy nhiên, gần đây, vụ rau sạch “đột lốt” vào siêu thị lại bị phanh phui khiến bà rất băn khoăn, lo lắng và bức xúc, bởi người tiêu dùng mua giá “trên trời” nhưng chất lượng lại là “hàng chợ”.
“Siêu thị là kênh mua sắm tin tưởng của nhiều người, hàng hóa thường được kiểm duyệt rất kỹ trước khi để lên kệ. Vậy nên, chúng tôi rất mong, tình trạng hàng hóa nhập nhèm, không nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng trà trộn vào siêu thị, phải được xử lý thật nghiêm để đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng”, bà Hòa nói.
Cũng có tâm trạng bức xúc và lo lắng, bà Trần Thị Minh (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chia sẻ: “Hàng ngày đi mua thực phẩm phục vụ 5 người trong gia đình, tôi thường vào siêu thị gần nhà. Từ hoa quả cho đến rau xanh, tôi phải chọn lựa rất kỹ lưỡng, tất cả phải có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, đầy đủ. Sau khi đọc thông tin rau không đảm bảo chất lượng trà trộn vào siêu thị, tôi cảm thấy mất niềm tin vô cùng. Sự coi thường luật pháp, coi thường sức khỏe của người tiêu dùng và gian lận thương mại mong rằng sẽ bị xử lý thật nghiêm".
Việc bán hàng không trung thực, gian dối, bất chấp nhiều quy định, các loại thực phẩm không đạt chuẩn vẫn có mặt tại các siêu thị và được bán với giá của thực phẩm sạch khiến dư luận bất bình là điều dễ hiểu. Bởi bất kỳ mặt hàng nào khi được bày bán tại siêu thị cũng đều phải bảo đảm các tiêu chí như: vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng, xuất xứ, thời hạn sử dụng trên bao bì đóng gói… Ngoài ra, các doanh nghiệp đưa hàng vào hệ thống siêu thị cũng phải tự cam kết bảo đảm công bố hàng hóa và phải chịu trách nhiệm với công bố đó...
Quy định là vậy, nhưng vì sao hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng vẫn có mặt trong siêu thị dù đã phải qua kiểm định nghiêm ngặt của một loạt các cơ quan chức năng?
Cần xử lý nghiêm tình trạng rau bẩn “đội lốt” vào siêu thị
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho hay, việc rau chợ “đội lốt” rau sạch vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích vừa qua không phải là lần đầu tiên xảy ra. Không chỉ với mặt hàng rau xanh mà rất nhiều thực phẩm khác cũng từng bị phanh phui như thế, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Phú cho hay: “Tôi đếm vội cũng có tới hơn 40 thủ tục của các đơn vị như hải quan, y tế, cục an toàn thực phẩm… Với hàng loạt thủ tục kiểm định nghiêm ngặt như vậy, tại sao hàng "bẩn" vẫn có mặt tại trên các kệ siêu thị”?
Trả lời câu hỏi này, ông Phú cho rằng, một là nhân viên siêu thị thiếu trách nhiệm khi kiểm soát giấy tờ và hàng hóa khi nhập vào, hai là thông đồng với doanh nghiệp gửi hàng không đảm bảo tiêu chuẩn. Đây là tội nặng và phải xử lý thật nghiêm. Ngoài ra, cơ chế kiểm tra, xử lý, giám sát còn quá nhiều lỗ hổng và yếu kém.
Để hạn chế tình trạng này, theo ông Phú, cách tốt nhất là phải quản lý từ gốc, tức là nơi sản xuất, tiếp đó là tại nơi bán lẻ. Cùng với đó, phải quy trách nhiệm của người đứng đầu siêu thị, kiểm tra thường xuyên các bộ phận tiếp nhận hàng hóa, không được lơ là, buông lỏng. Với lực lượng quản lý thị trường, nếu không có biên bản kiểm tra siêu thị ở địa bàn được phân công trong thời gian ít nhất là 1 năm thì cũng có trách nhiệm liên đới trong vụ việc báo chí mới nêu.
Về phía đơn vị bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, siêu thị được coi là một hình thức kinh doanh văn minh, hàng hóa có nhãn mác, giá cả niêm yết rõ ràng, nhìn chung được nhiều người tiêu dùng tin cậy. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Thương Mại trước đây đã có văn bản ban hành quy chế đối với siêu thị. Theo đó, hàng hóa kinh doanh tại siêu thị phải ghi rõ xuất xứ hàng hóa theo quy định. Đối với thực phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Không được kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng…
Để thực hiện quy chế này, siêu thị phải có quy định chặt chẽ về quản lý chất lượng hàng hóa vào siêu thị. Tuy nhiên, quy định là một việc, thực hiện lại là việc khác. Quy định có thể chỉ để đối phó hoặc do thiếu kiểm tra, giám sát đối với nhân viên cũng như nguồn hàng nhập. Từ thực tế báo chí đã phanh phui, cũng như qua kinh nghiệm khi còn công tác cho thấy, siêu thị cũng có những vi phạm nhất định.
Về vấn đề rau an toàn, ông Hùng cho hay, cơ sở trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP tăng đều hàng năm, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với việc làm thế nào để nhận biết rau an toàn, không phải người tiêu dùng nào cũng biết. Trước những vụ việc kinh doanh gian lận mà báo chí đã phanh phui, nên chăng cơ quan quản lý cần điều tra, xem xét liệu có hiện tượng cấp khống Chứng nhận VietGAP?
“Vấn đề cần lưu ý là công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa phải dựa trên các quy chuẩn và tiêu chuẩn và phải làm thường xuyên. Hiện nay, bỏ tiền kiểm, nhưng hậu kiểm lại không làm thường xuyên, đồng nghĩa với việc không kịp thời phát hiện. Khi phát hiện thì sự đã rồi. Trên thực tế, một số vụ khi phát hiện thực phẩm có vấn đề, thì người tiêu dùng đã “lĩnh đủ”. Do vậy, vấn đề cần lưu ý và quan tâm là cơ quan quản lý cũng như tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, người tiêu dùng là bên yếu thế nên cần được pháp luật bảo vệ. Hiện nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, thông qua và đầu năm 2023. Hy vọng rằng, Luật sửa đổi khi được Quốc hội ban hành sẽ giúp người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn. Vì sức khỏe hàng trăm triệu người tiêu dùng, rất mong cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm giảm thiệt hại cho người tiêu dùng./.