Khi nhà báo tỉnh ra sân chơi lớn…
VOV.VN-Với nhà báo ở các địa phương, khi đoạt giải thưởng báo chí chính là sự ghi nhận, niềm động viên, khích lệ lớn lao để họ tiếp tục cống hiến, sáng tạo...
Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, giới báo chí tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đón tin vui khi có những gương mặt mới đoạt giải cao tại Giải báo chí Quốc gia lần thứ XII.
Các nhà báo Đài PTTH Quảng Ngãi đoạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc Lần thứ XIII-năm 2018 |
Đây là năm thứ 10, những người làm báo Quảng Ngãi được vinh danh ở Giải báo chí cả nước. Đối với họ, giải thưởng là sự ghi nhận, khẳng định nghề nghiệp cũng là niềm động viên, khích lệ lớn lao để tiếp tục cống hiến, sáng tạo những tác phẩm có giá trị.
Những điểm bán hàng tự phát với khẩu hiệu quen thuộc như “Một trái dưa, một tấm lòng”, thường xuất hiện ở Quảng Ngãi với cách thức giải cứu trong thời điểm nông dân điêu đứng khi nông sản không có nơi tiêu thụ. Trong 5 năm qua, Quảng Ngãi là một trong những địa phương có nhiều loại nông sản được giải cứu như dưa hấu, bí đỏ, thậm chí cả ớt và muối.
Tiếp xúc nhiều với người nông dân trong tỉnh, phóng viên Từ Thị Xuân Yến, Đài PT-TH tỉnh Quảng Ngãi luôn trăn trở với câu hỏi: Các cuộc giải cứu mang tính từ thiện, nhân đạo và liên mùa đến bao giờ mới kết thúc?; Người nông dân Quảng Ngãi và bao vùng quê khác bao giờ mới chủ động được mùa vụ của mình?; Bao giờ mới chấm dứt lối ví von trong dân gian thời thị trường: thửa ruộng là sòng bạc, xuống giống là đặt cọc vào sòng bạc mà đối thủ là vô hình?; Nông sản Việt Nam bao giờ mới hết lệ thuộc vào con đường xuất khẩu tiểu ngạch?...
Phóng viên Xuân Yến, Đài PTTH Quảng Ngãi phỏng vấn người nông dân |
Tất cả những câu hỏi thực tế được đưa vào phóng sự 3 kỳ: “Cần một cuộc đại phẫu cho nông sản”. Tác phẩm này được trao giải B Giải báo chí Quốc gia năm nay. Phóng viên Từ Thị Xuân Yến chia sẻ: “Đây không phải là đề tài mới nhưng không bao giờ cũ. Vì nông sản hàng năm vẫn rớt giá thường xuyên. Đi nhiều nơi, tiếp xúc tìm hiểu thấy được nỗi khổ của người nông dân. Phỏng vấn lãnh đạo tỉnh để tìm giải pháp căn cơ, giúp người nông dân không nên sản xuất ồ ạt, tránh lặp lại điệp khúc “được mùa, mất giá, được giá, mất mùa".
Mỹ Lai, Sơn Mỹ, cuộc thảm sát kinh hoàng đã đi vào lịch sử, chấn động cả thế giới. Nửa thế kỷ trôi qua, đã có rất nhiều tác phẩm báo chí đề cập về Sơn Mỹ. Làm thế nào tìm ra cái mới cho những tác phẩm báo chí?
Đại diện nhóm tác giả Đài PTTH Quảng Ngãi nhận giải A Giải Báo chí Quốc gia Thông tin Đối ngoại 2017 |
Nhiều lần tác nghiệp ở Sơn Mỹ, phóng viên Tấn An, Đài PT-TH tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy, lễ tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai hàng năm là hoạt động rất nhân văn, có thể khai thác ở nhiều góc độ để sáng tạo, hình thành tác phẩm.
Với chương trình phát thanh tổng hợp mang tiêu đề “Thông điệp hòa bình ở Mỹ Lai”, phóng viên Tấn An và nhóm tác giả chọn cách nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Chương trình có thời lượng 30 phút đã truyền tải thông điệp hòa bình – khát khao lớn nhất của một dân tộc đã phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu mới mong giành được nền hòa bình của ngày hôm nay.
Tác phẩm này đã liên tục gặt hái thành công từ Giải Vàng tại Liên hoan phát thanh toàn quốc năm 2018, giải Nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 và Giải C Giải Báo chí quốc gia năm nay.
Phóng viên Nguyễn Tấn An bộc bạch: “Làm nên thành công cho tác phẩm này là phần âm nhạc. Vì đặc thù của phát thanh là ngoài thuật, tả và bình thì tiếng nói nhân vật và âm nhạc làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Âm nhạc kết hợp chặt chẽ với nội dung đi từ tưởng vọng đến hiện tại và tương lai, làm nền cho tác phẩm. Cách tiếp cận nhìn thẳng vào sự thật lịch sử và âm nhạc nên đã đạt được mức mà nhóm tác giả cảm thấy hài lòng”.
Đài PTTH Quảng Ngãi nhận giải Vàng LHPT toàn quốc năm 2018
Lâu nay, mảng đề tài Xây dựng Đảng luôn kén người viết và người viết cũng rất ngại lĩnh vực này, nhất là những nhà báo trẻ. Gần 15 năm cầm bút, hơn 10 năm gắn bó với lĩnh vực Xây dựng Đảng, phóng viên Nguyễn Thị Thanh Thuận, báo Quảng Ngãi đã vượt qua những trở ngại ban đầu để tìm thấy sự hấp dẫn trong mảng đề tài này.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi đề tài về xây dựng Đảng được mở rộng hơn, phóng viên Thanh Thuận dành nhiều công sức thể hiện cái mới khi thực hiện nhiều tác phẩm viết về việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Và sự tìm tòi, sáng tạo đã mang lại cho chị nhiều giải thưởng báo chí, trong đó có giải B Giải báo chí Quốc gia năm 2015.
Phóng viên Nguyễn Thị Thanh Thuận nói: “Đi nhiều thì tìm hiểu khám phá, gặp gỡ được những con người bình dị có những việc làm cao quý. Từ thực tế đó cho mình cảm hứng để sáng tạo nên những tác phẩm. Khi viết bài, đặt cảm xúc làm cho nhân vật không to lớn, cao xa mà chọn cách viết giản dị”.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 160 nhà báo. Là một tỉnh nhỏ ở khu vực miền Trung nhưng hoạt động báo chí ở đây sôi động không kém các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Với sự lao động nghiêm túc, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đội ngũ những người làm báo tỉnh Quảng Ngãi từng bước khẳng định mình. Năm 2018 là năm thứ 10, Quảng Ngãi có tác giả đoạt giải cao tại Giải báo chí quốc gia. Đã có 25 tác phẩm của các nhà báo ở tỉnh Quảng Ngãi đoạt nhiều giải thưởng danh giá về báo chí.
Ông Hà Minh Đích, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Trong 10 năm, Quảng Ngãi có tác phẩm đoạt giải, đã có 1 bộ giải từ A, B, C đến khuyến khích. Bên cạnh những nhà báo đã thành danh, điều đáng mừng là đã xuất hiện một lực lượng hùng hậu các nhà báo trẻ, được đào tạo bài bản, có kiến thức, đam mê và thành công trong lao động sáng tạo”.
Mỗi giải thưởng là một sự ghi nhận, động viên thể hiện sự trưởng thành về nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo ở tỉnh Quảng Ngãi. Đây là niềm tự hào, khích lệ để mỗi nhà báo tiếp tục cống hiến, tìm tòi cho ra đời những tác phẩm có giá trị, được đầu tư nghiêm túc về công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm và sự sáng tạo./.