Khó áp dụng chính sách lao động nữ được nghỉ 30 phút vào ngày “đèn đỏ”
VOV.VN -Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, nhiều chính sách tại Nghị định 85 đối với lao động nữ rất khó thực hiện.
Nghị định 85 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ nêu rõ: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt sữa và nghỉ ngơi; trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày, tối thiểu 3 ngày/tháng, thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương.
(Ảnh có tính chất minh họa) |
Tuy nhiên, nhiều lao động nữ đến nay vẫn còn xa lạ với quy định này. Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân ở Công ty Dệt may 29/3 Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng không hề biết mình được nghỉ 30 phút vào những ngày “đèn đỏ” theo quy định hiện hành.
Chị Hồng nói: “Tôi chưa được nghe luật này bao giờ. Nếu như được áp dụng thì đối với chị em chúng tôi rất vui. Vì trong những ngày như vậy được nghỉ 30 phút thực sự rất quý. Nhưng ở công ty lấy đâu ra chỗ mà nằm”.
Trong lúc đó, đại diện các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ cũng cho rằng, quy định này rất khó thực hiện. Với những công ty có đến 80% lao động nữ thì việc nghỉ ngơi như vậy ảnh hưởng rất lớn tới dây chuyền sản xuất, nhất là vào những thời điểm có đơn hàng cần giao gấp.
Ông Hồ Sỹ Tân, Chủ tịch Công đoàn Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kad Industrial tại Việt Nam, ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng, đơn vị có hơn 1.000 lao động mà phần lớn là nữ nêu ý kiến: “Chúng ta không biết ngày nào, người nào có để cho họ nghỉ. Quy định là phải cho họ nghỉ, nhưng không cho nghỉ mà trả bằng tiền cũng là vi phạm. Cho nên cái đó không thực tiễn, bởi vì không thể theo dõi từng người một, chưa nói ảnh hưởng đến sản xuất”.
Chính sách mới đối với lao động nữ theo Nghị định 85 quy định: Người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc; khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của lao động nữ.
Tuy nhiên, theo ông Lê Duy Lương, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Foster Nhật Bản tại Việt Nam, quy định này thiếu tính khả thi. Ông Lương cho biết: Hiện Công ty Foster có khoảng 30.000 người lao động với 90% là nữ. Theo khảo sát của Công ty thì nhiều lao động nữ không có nhu cầu tắm trước khi về nhà, bởi điều kiện làm việc ở đây môi trường sạch sẽ, rất ít bụi. Hơn nữa, tâm lý chung của lao động nữ khi xong việc là muốn về nhà ngay. Vì thế, việc xây dựng nhà tắm chưa cần thiết đối với một số doanh nghiệp.
Cũng theo Nghị định 85, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của mạng lưới trường, lớp mầm non ở địa phương, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; tham mưu quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân, cán bộ và công nhân khu công nghiệp; đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non công lập.
Về những quy định này xem ra quá xa vời, như lời của ông Ngô Văn Sang, cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng là việc này rất khó, gây khó khăn cho doanh nghiệp: “Hiện nay, trong tình hình biên chế viên chức hành chính sự nghiệp chúng ta không thể thành lập các trường mầm non công lập. Chi phí gửi trẻ của các trường công lập luôn luôn rẻ hơn những trường xã hội hóa. Nó cũng đưa vào một chi phí trực tiếp hay gián tiếp tới doanh nghiệp. Tại vì người lao động không thỏa mãn, họ sẽ dịch chuyển thì thực tế các chi phí này cũng đổ vào doanh nghiệp”.
Theo Tổng cục thống kê, hiện nay cả nước có gần 26 triệu lao động nữ, chiếm gần 49% lực lượng lao động của xã hội. Việc nâng cao điều kiện chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân người lao động.
Tuy nhiên, với những quy định chưa sát thực tế mà Nghị định 85 đặt ra, vô tình đã đẩy người lao động và người sử dụng lao động vào chỗ khó. Phải chăng vì thế mà gần một tháng kể từ ngày Nghị định 85 có hiệu lực, những chính sách đối với lao động nữ vẫn chưa đi vào cuộc sống?./.