Khối ngành Y Dược đứng đầu bảng về mức học phí trong 5 năm tới?
VOV.VN - Bộ GD-ĐT đang dự thảo quy định về mức học phí đại học trong 5 năm tới.
Theo đó, Bộ GD-ĐT dự kiến quy định mức thu học phí thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định.
Cơ sở giáo dục đại học dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ giáo dục, đào tạo khác (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý, có trách nhiệm công khai, giải trình với người học, xã hội. Đối với trường thành lập mới cần thuyết minh cụ thể trong đề án thành lập trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục phải thuyết minh chi phí giáo dục đào tạo bình quân một học sinh, mức thu học phí hàng năm và toàn cấp học đối với giáo dục mầm non, phổ thông, toàn khóa học đối với cơ sở giáo dục đại học; thuyết minh lộ trình và tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo (tối đa 15% đối với đào tạo đại học) và thực hiện công khai, giải trình với người học, xã hội.
Bộ GD-ĐT đề xuất mức trần giá dịch vụ giáo dục đại học đối với cơ sở giáo dục đại học chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước như sau:
Học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nhưng chưa đạt tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước, mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí được quy định tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước, mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí.
Mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học công lập từ năm học 2021-2022 được xác định bằng mức trần học phí đào tạo đại học nhân hệ số 1,5 đối với đào tạo Thạc sĩ, nhân hệ số 2,5 đối với đào tạo tiến sĩ tương ứng với từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.
Học phí đào tạo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa áp dụng mức không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở giáo dục đại học chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Trường hợp học trực tuyến (online), cơ sở giáo dục đại học xác định mức thu học phí trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức học phí của cơ sở giáo dục đại học tương ứng từng khối ngành theo mức độ tự chủ.
Học phí đối với các chương trình đào tạo thường xuyên; dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật được các cơ sở giáo dục chủ động tính toán, quy định mức thu theo sự đồng thuận giữa người học và cơ sở giáo dục, bảo đảm tính công khai, minh bạch và giải trình với người học, xã hội.
Học phí đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác được áp dụng thu theo sự thỏa thuận chi phí giữa cơ sở giáo dục và người học./.