Không để bị động trong mọi tình huống do ảnh hưởng của mưa lớn cực đoan
VOV.VN - Vùng áp thấp và đợt mưa lớn tập trung ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ từ nay đến ngày 11/10 tới.
Mưa lớn đe dọa an toàn hồ chứa và hạ du; chia cắt do ngập úng là những nguy cơ được chỉ ra khi nhận định về diễn biến của vùng áp thấp và đợt mưa lớn tập trung ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ từ nay đến ngày 11/10 tới.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về những giải pháp ứng phó thiên tai.
PV: Mưa lớn cực đoan ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, không loại trừ khả năng xảy ra “lũ chồng lũ” Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có những yêu cầu cụ thể như thế nào đối với các địa phương trong ứng phó với thiên tai, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Chúng ta đã có kinh nghiệm gần nhất là năm 2017 cũng đợt mưa như thế này đã gây ngập lụt diện rộng và đã chia cắt các tỉnh, các huyện, các xã. Từ kinh nghiệm của năm 2017 với dự báo này chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương, các đơn vị là chủ động tính toán các kịch bản của ngập lụt hạ du và xác định các điểm có nguy cơ sạt lở, đặc biệt là lũ ống lũ quét để có giải pháp đối phó.
Trong đó các hồ thủy điện, thủy lợi thì đặt ở mức báo động cao nhất ở trạng thái vận hành để sẵn sàng cắt lũ cho hạ du và tránh được tình trạng “lũ chồng lũ” khi xả lũ thủy điện rồi hồ xả lũ lúc mà hạ du đang lũ thì phải tránh tuyệt đối tình trạng này.
Thứ hai là các điểm có nguy cơ sạt lở cao các địa phương phải chủ động di dân sớm hơn và chủ động có các giải pháp để tránh thiệt hại, đặc biệt là về người. Về sản xuất, vùng này là vùng nói là chăn nuôi trồng trọt cũng rất sôi động chính vì thế nên phải có các giải pháp để tránh thiệt hại cho người dân về sản xuất.
PV: Có những kịch bản và tình huống nguy hiểm nào mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lưu ý các địa phương thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Sẽ có những tình huống rất khó như với trang trại nhỏ thì có thể di chuyển được nhưng mà với trang trại lớn. Ví dụ như hàng nghìn con lợn, hàng nghìn con trâu, con bò thì phải có những giải pháp tại chỗ để sẵn sàng các kịch bản khi có ngập lụt lớn.
Đối với trồng trọt các diện tích lúa mà còn đã yêu cầu các địa phương là phải thu hoạch ngay. Đối với diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao thì phải có biện pháp tiêu thoát úng thoát lũ và chống chằng để nó không bị dập đổ gãy.
Đối với các ngành đặc biệt là giao thông thì chúng tôi cũng đã đề nghị là chuẩn bị lực lượng, phương tiện để đảm bảo giao thông là phải thông suốt không bị chia cắt khi mà nước lũ lên cao.
PV: Để giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời được đặt ra như thế nào trong những tình huống cụ thể như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đối với lực lượng vũ trang, đặc biệt là lực lượng công an, lực lượng quân đội thì thông qua Ủy ban ứng phó tìm kiếm cứu nạn cứu hộ chúng tôi đã đề nghị tập trung nhân lực, vật lực. Đối với khu vực này thì kinh nghiệm của những năm vừa qua chúng ta thấy khi có mưa lớn thường bị chia cắt và không tiếp cận ngay được thông tin liên lạc bị cắt đứt.
Làm thế nào mà lực lượng quân đội nhanh nhất có thể bằng các thiết bị hiện có thể để có được thông tin nhanh nhất có thể là qua vệ tinh, hoặc thiết bị chuyên dụng để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Thứ hai nữa là với lực lượng quân đội đây là lực lượng mà nhanh nhất có thể tiếp cận được những nơi bị chia cắt thì tập trung lực lượng phương tiện để có thể nhanh nhất tiếp cận được nơi bị chia cắt cái. Sẵn sàng tập trung lực lượng các đơn vị các doanh trại nhưng mà có cái tình huống bất thường xảy ra thì có ngay lực lượng để ứng cứu.
Xin cảm ơn ông!./.