Khuất tất trong hỗ trợ hộ nghèo ở Tân Phong
VOV.VN - Trong số hộ nhận hỗ trợ giống bò, lợn, dê đợt này hầu hết lại là những hộ có đời sống khá giả và có quan hệ với lãnh đạo xã.
Xuất hiện nghịch lý trong việc bình xét hộ nghèo tại xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Những hộ được công nhận là nghèo được hưởng những chính sách hỗ trợ từ đề án 1460.
Đây là đề án hỗ trợ hộ nghèo vùng chuyển dân Sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình với số tiền 11 triệu đồng mỗi hộ cho phát triển sản xuất. Tuy nhiên việc kê khai hỗ trợ tại địa phương này lại bộc lộ những khuất tất, nhiều hộ khá giả lại được hỗ trợ khiến người dân địa phương không khỏi bức xúc.
Ông Đinh Văn Ngân, Chủ tịch xã Tân Phong làm việc với Phóng viên.
Theo quyết định hỗ trợ hộ nghèo thuộc đối tượng vùng đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế- xã hội vùng chuyển dân Sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có 60 hộ được hỗ trợ bò, lợn, dê. Nhưng người dân phản ánh cách thức bình xét hộ nghèo đã làm nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn lại không nhận được con giống. Quy định của đề án 1460 rất rõ ràng là hộ được hỗ trợ phải là hộ gốc di chuyển vùng lòng hồ Sông Đà, thuộc hộ nghèo, song những gì xã Tân Phong thực hiện lại hoàn toàn khác.
Chị Hà Thị Khuyên ở bản Vạn, xã Tân Phong nói: “Tiền đề án 1460 này là cho những hộ gốc di chuyển ở Sông Đà lên là từ năm 1985, 1986 nhưng đến lúc đi họp thì lại làm khác đi, xuống đến đấy trưởng bản lại chỉ đạo là bốc thăm”.
Gia đình bà Đinh Thị Bính là hộ nghèo, là hộ gốc đầu tiên di chuyển từ thủy điện Hòa Bình lên bản Vạn cũng không nằm trong danh sách được hỗ trợ, bức xúc cho biết: Có trường hợp như anh Đinh Văn Hải là hộ mới tách ra, con trưởng công an xã Tân Phong lại được hỗ trợ bò. Nhưng nhận hỗ trợ mua bò và tiền làm chuồng rồi mà không thấy bò đâu. “Con nhà ông trưởng ban công an xã,con ông bí thư. Mấy trường hợp này là ở chung với bố mẹ nhưng là hai khẩu, hai hộ tách riêng ra thì con được hỗ trợ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số hộ nhận hỗ trợ giống bò, lợn, dê đợt này hầu hết lại là những hộ có đời sống khá giả và có quan hệ với lãnh đạo xã. Bản Vạn có 11 hộ được nhận bò từ Đề án 1460 thì có tới 6 hộ có đời sống khá giả; là con cháu, người thân của cán bộ xã, bản. Thậm chí ngay cả nhà trưởng bản đều được nhận bò, trong khi dân nghèo rơi nước mắt cầu xin không được! Điều này bộc lộ rõ sự khuất tất.
Để bảo đảm công bằng, trước khi hỗ trợ cho các hộ gia đình, trưởng bản phải tổ chức họp dân để lựa chọn các gia đình được hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều hộ dân bản Vạn cho biết: Họ không hề được họp mà chỉ được gọi lên bốc thăm, có hộ khi lên bốc thăm thì hết phiếu.
Ngoài khuất tất trong việc lựa chọn đối tượng, hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân tự đi mua giống, cán bộ xã, huyện xuống nghiệm thu và thanh toán cũng bộc lộ những lỗ hổng nếu không được giám sát chặt chẽ. Nhiều hộ dân tại bản Vạn cho biết, có nhiều hộ được hỗ trợ mà không thấy bò, lợn dê đâu cả.
Nhiều hộ dân ở Bản Vạn không đồng tình với danh sách hộ nghèo của xã. |
Ông Đinh Văn Ái ở bản Vạn cho biết: “Nhiều nhà bò chả thấy, đi mượn con bò về thế là được một số tiền, thực tế là chưa có bò. Đăng ký bò thì xã công nhận cho con bò, dắt con bò của nhà khác về ký sổ là xong”.
Về vấn đề này, ông Cầm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cũng thừa nhận: “Nếu như chúng ta không giám sát chặt chẽ, các tổ chức chính quyền cơ sở không giám sát chặt chẽ sẽ xảy ra hiện tượng đó là mượn bò nhau để mà nghiệm thu. Chúng tôi tới đây sẽ tăng cường giám sát ở tất cả các xã này”.
Những khuất tất trong trong việc bình xét hộ nghèo và hỗ trợ hộ nghèo tại xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đang khiến cho nhiều người dân bức xúc. Liệu những khoản hỗ trợ của Nhà nước có đến đúng đối tượng hộ nghèo, và chính quyền xã Tân Phong đã cố tình làm sai? Câu hỏi này rất cần sự vào cuộc của lãnh đạo huyện Phù Yên./.