Kịch bản vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2
(VOV) -Theo dự thảo của kịch bản, hàng chục ngàn phương tiện cùng tham gia di dời khi vỡ đập.
Sáng nay (16/1), UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo kế hoạch sơ tán nhân dân vùng động đất và hạ du thủy điện Sông Tranh 2 để lấy ý kiến các sở, ban, ngành, chính quyền các huyện vùng bị ảnh hưởng.
Theo kịch bản này, với dung tích 730 triệu m3 nước, nếu sự cố vỡ đập xảy ra ảnh hưởng sẽ kéo dài từ huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và thành phố Hội An. Lúc đó, trên 62.000 dân của 51 xã, phường thuộc 8 huyện, thành phố của Quảng Nam sẽ buộc phải sơ tán khẩn cấp.
Người dân huyện Trà My đang rất lo lắng và không dám ở trong nhà khi có dư chấn |
Theo dự thảo của kịch bản di dời thì có đến hàng chục ngàn phương tiện từ ô tô, xe máy, xe thô sơ cùng tham gia di dời. Khoảng cách di dời từ nơi ở đến nơi trú ẩn từ 500 đến 3.500m. Các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh là lực lượng nòng cốt ứng cứu người dân. Ngoài ra, các lực lượng như công an, bộ đội biên phòng, cán bộ y tế, đội ứng cứu giao thông, xã, phường, thị trấn… đều tham gia lực lượng này.
Kịch bản ứng phó với sự cố vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 cũng tính đến việc huy động các đơn vị quân đội chính quy đóng trên địa bàn miền Trung như Vùng C Hải quân, Sư đoàn Không quân 372.
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng vấn đề quan trọng nhất là thông tin phải nhanh nhạy kịp thời để các đơn vị quân đội và chính quyền các địa phương vùng hạ du ứng phó một cách nhanh nhất.
Ông Đào Bội Thuyên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam góp ý: “Nếu như sự cố vỡ đập xảy ra thì nước sẽ xuống đến Hiệp Đức rất là nhanh. Theo tôi, giải pháp duy nhất là dùng súng bắn để thông tin đến dân, còn hiện nay chúng ta không thể sử dung loa, còi hay thông tin điện thoại được”./.