Kiến nghị mở lại đường bay quốc tế đến Việt Nam, nên chưa?
VOV.VN -Về phương án cho phép nối lại các chuyến bay quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ, tránh “tham bát bỏ mâm”...
Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được Covid-19.
Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được Covid-19. |
Cùng với việc mở lại đường bay quốc tế, hiệp hội này cuối tuần trước kiến nghị Thủ tướng ban hành quy trình phòng chống dịch và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không. Từ đó, Chính phủ cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch.
Ngoài ra, hiệp hội này còn đề nghị một số cơ chế khác như: cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 3-4 năm; kéo dài thời gian miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021; giảm 70% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay; đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong 6 tháng, để không ảnh hưởng các chuyến bay.
Một số nước cũng đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam
Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, Cục HKVN đã làm việc với nhà chức trách một số quốc gia kiểm soát được dịch và bàn thảo một số quy định để phòng ngừa.
Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (IATA) đanhs giá: Hàng không Việt Nam sẽ lỗ 4 tỷ USD trong năm nay. |
Một số nước cũng đã đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam, đều thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách ly và xét nghiệm Covid-19. Do đó, việc này phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước.
"Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quyết định thời điểm mở đường bay quốc tế và đưa ra quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch", ông Đinh Việt Thắng cho hay.
Cục trưởng Cục HKVN cho biết, giữa tháng 7, Cục này cũng từng kiến nghị mở một số đường bay quốc tế theo mô hình "di chuyển nội khối" nghĩa là các quốc gia cho phép nhập cảnh đối với công dân nước mình và thương gia, chuyên gia kỹ thuật, sinh viên...
Máy bay đậu tại sân bay Nội Bài khi nhiều đường bay dừng hoạt động vào tháng 4 do Covid-19. |
Khi nhập cảnh, người dân phải cách ly 14 ngày tại gia đình hoặc cơ sở lưu trú do chính quyền chỉ định (có thu phí). Việc tự cách ly tại gia được chính quyền kiểm soát chặt bằng công nghệ.
Với các đề xuất miễn giảm phí của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không kéo dài hết năm 2021, ông Đinh Việt Thắng cho rằng, hiện nay các hãng đã được miễn, giảm phí nhiều dịch vụ hàng không đến hết năm 2020.
“Đến cuối năm nay, các cơ quan sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để có các phương án hỗ trợ tiếp theo cho các hãng hàng không”, Cục trưởng HKVN nói.
Không nên “tham bát bỏ mâm”
Trước kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, trong nước và thế giới vẫn chưa hết dịch sẽ tiểm ẩn rất nhiều hiểm nguy, tấm gương Đà Nẵng hãy còn đó. Nên cần phải cân nhắc kỹ, tránh kiểu “tham bát bỏ mâm”...
Theo báo cáo tài chính quý II, Vietjet Air đạt doanh thu chỉ đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm trước do Covid-19, Hãng hàng không này ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 1.122 tỷ đồng. |
“Cả thế giới đang bị Covid-19 tàn phá, còn ở trong nước đang vất vả gian nan để khống chế. Hãy nhìn việc chống dịch gian nan, khổ cực ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội...như thế nào rồi hành động. Hãy quan tâm đến đất nước, cộng đồng”, bác Toàn, nhà ở số 5, Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói.
Còn anh Lê Quang Tuấn, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội thì cho rằng, trong tình hình như thế này thì không nên mở đường bay quốc tế trở lại vội. Vì theo anh, trên thế giới dịch đang rất phức tạp chưa thể kiểm soát được, trong nước ta cũng đang dịch. Do đó, anh cho rằng, nếu cần thiết chỉ những chuyến của Đại sứ quán các nước cũng như một số chuyên gia sang, nhưng phải tuân thủ cách ly theo quy định.
“Đất nước còn nghèo, nhân lực có hạn, chỉ có vài trăm ca bệnh ở Đà Nẵng mà các tỉnh xung quanh đã phải gửi người gửi của tới tiếp ứng. Giờ mở cửa hàng không, nếu dịch lây lan và bùng phát thì người dân, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, vất vả. Cho nên cần biết chia sẻ với đất nước...”, anh Tuấn kiến nghị.
Việc mở lại đường bay quốc tế trong lúc nước nhà và thế giới vẫn chưa hết dịch sẽ tiểm ẩn rất nhiều hiểm nguy. |
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ thấu hiểu nỗi khổ của ngành hàng không và của ngành du lịch. Nhưng đa số cho rằng, mở lại đường bay quốc tế trong lúc nước nhà và thế giới vẫn chưa hết dịch sẽ tiểm ẩn rất nhiều hiểm nguy.
“Vì đại cuộc hi vọng các doanh nghiệp hàng không, du lịch cùng đồng hành và chia sẻ. Khó khăn thì ai cũng khó, nhưng không phải vì mình khó mà làm cả nước”, chị Hương Mai nói.
Bộ GTVT đang xin ý kiến, nhưng sẽ cân nhắc kỹ
Trước kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được Covid-19 của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, trao đổi với một số cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện trở lại cộng đồng, Bộ GTVT đã xây dựng phương án các chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam và đề nghị cho mở từ 1/8/2020.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 lại bùng phát và diễn biến phức tạp nên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT hoàn thiện lại phương án này và xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng...
Các hãng hàng không dự kiến khai thác đường bay quốc tế trong tháng 7
"Hiện Bộ GTVT đang đôn đốc Cục HKVN trình phương án cho phép chuyến bay thường lệ quốc tế chở khách nhập cảnh vào Việt Nam để xin ý kiến các bộ, ngành", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, hiện Bộ GTVT không dừng các chuyến bay thường lệ quốc tế mà chỉ chưa cho chở khách nhập cảnh vào Việt Nam do các khu cách ly tập trung ở Việt Nam hạn chế; đồng thời cũng là để sẵn sàng cho phương án cách ly của các vùng dịch./.