Kiến trúc sư của ngành kỹ thuật phát thanh Việt Nam
VOV.VN - Ông Nguyễn Cung là 1 trong 4 kỹ thuật viên đặt nền móng cho sự phát triển và lớn mạnh của ngành phát thanh Việt Nam.
Ông Nguyễn Cung, nguyên Cục phó Cục Kỹ thuật phát thanh, Đài TNVN là 1 trong 4 kỹ thuật viên đặt nền móng cho sự phát triển và lớn mạnh của ngành phát thanh Việt Nam.
Vào khoảng đầu tháng 3/1968, một bộ phận gọn nhẹ của Đài Giải Phóng A được sơ tán lên vùng núi Bắc Sơn, Thái Nguyên để đảm bảo an toàn, liên tục làn sóng. Tôi cũng ở trong số đó. Một buổi sáng có một cán bộ tìm gặp tôi. Ông hồ hởi: Tôi là Nguyễn Cung, Cục phó Cục Kỹ thuật Phát thanh (KTPT) Đài TNVN. Tôi lên đây chuyển cho anh quyết định điều động anh lên Lào Cai làm việc, làm phó Đài V3.
Ông Nguyễn Cung, nguyên Cục phó Cục Kỹ thuật phát thanh (ngoài cùng bên phải) (ảnh: Tư liệu) |
Ông Nguyễn Cung sinh năm 1910 ở thôn Mậu Lương, xã Kiến Hưng huyện Thanh Oai, Hà Đông. Sau khi lập gia đình, ông sinh sống tại số nhà 23 phố Cửa Bắc, Hà Nội. Những năm 1930, ông học trường kỹ nghệ thực hành do Pháp mở tại Huế, chuyên ngành báo vụ và kỹ thuật vô tuyến điện (VTĐ). Sau khi ra trường, ông được phân công đi các đài liên lạc điện báo của chính quyền Pháp tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên. Năm 1940, ông được điều ra làm việc tại Đài phát VTĐ trung tâm của Pháp đặt tại 128C Đại La, Hà Nội.
Đây cũng là môi trường thuận lợi, để ông theo Cách mạng vào những tháng đầu năm 1945, được Cách mạng phân công ông cùng một số anh em kỹ thuật tìm hiểu sâu về máy móc, tìm kiếm linh kiện để có thể biến máy phát báo thành máy phát thanh, tự lắp ráp các máy phát thanh công suất từ 100 - 200W để phục vụ cách mạng khi cần.
Ngày 19/8/1945, khi Hà Nội nổ ra khởi nghĩa giành chính quyền, ông và các cộng sự đã có được 4 máy phát sóng phát thanh từ 100 - 400W. Đó là những thiết bị quý giá đầu tiên của ngành KTPT Việt Nam.
Lúc 11h30 ngày 7/9/1945, khi Đài TNVN chính thức lên sóng: “Đây là Đài TNVN phát thanh từ Hà Nội Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ông là 1 trong 4 người kỹ thuật viên đầu tiên làm nên kỳ tích này. Từ nay chính quyền cách mạng non trẻ, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có một đài phát thanh. Ông Nguyễn Cung lo về máy phát, ông Nguyễn Dực lo về thu thanh, ông Lê Quang Lân lo về truyền dẫn tín hiệu, ông Nguyễn Văn Trọng lo về máy nổ, điện.
Năm 1971, khi tôi được điều về Đài CK2. Một hôm được đồng chí Nguyễn Văn Nhất, Cục trưởng Cục KTPT triệu tập để phổ biến về kế hoạch phòng chiến. Gọi là kế hoạch 99. Ông Nguyễn Cung được trình bày các phương án phòng chống chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ đối với các cơ sở KTPT, rất gọn:
“Thứ nhất, nó đánh ở đâu, trúng bất cứ đài nào thì các đài khác theo kế hoạch lên sóng thay thế.
Hai là phương án giữ thông tin liên lạc giữa các đài.
Ba là phương án cung cấp tín hiệu cho từng Đài, từng hệ.
Và bốn phương án sử dụng sóng ở từng đài, cho từng hệ.
Tôi hỏi: “Chỉ huy chung là lãnh đạo cục, đặt ở đâu khi máy bay đánh Hà Nội?”. Ông bảo: “Không ai chỉ huy cả. Cứ theo các phương án đã đề ra các đồng chí phụ trách các Đài căn cứ vào đó mà thực hiện theo từng tình huống, từng phương án đã đề ra”.
Quả thật, khi xem lại kỹ phương án 99 do ông Nguyễn Cung soạn thảo, thấy rất cụ thể, rất rõ. Không phải viết bằng lời văn mà là biểu đồ phát sóng của từng máy phát của tất cả 6 đài phát sóng thuộc Cục KTPT lúc đó.
Chính nhờ sự bố trí khoa học này mà lúc 5h ngày 19/12/1972, khi Đài Mễ Trì bị B52 đánh phá, sóng TNVN chỉ bị ngừng 9 phút. Nói như nhà báo Lưu Quý Kỳ (lúc đó là Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn TƯ Đảng). Đó là 9 phút làm nên lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Vì các nhà cầm quyền Mỹ thông báo rằng không quân Mỹ đã bịt miệng nước VNDCCH. Dù Mễ Trì, sau đó là Đài Bạch Mai (22/12/1972) bị san phẳng nhưng các làn sóng Đài TNVN cả đối nội, đối ngoại, sóng Đài Giải phóng, sóng Đài Pathle Lào đều giữ liên tục.
Đây không phải lần đầu tiên ông Nguyễn Cung thắng Mỹ nhằm triệt hạ Đài TNVN, mà năm 1947, khi Đài TNVN sơ tán ở vùng Bắc Cạn, Tuyên Quang, quân Pháp đã cho cả máy bay, cho quân nhảy dù, cho lính biệt kích truy đuổi để tiêu diệt Đài TNVN. Khi nhảy dù xuống Bắc Cạn lúc sáng ngày 7/10/1947 quân Pháp tin rằng chúng đã bắt được toàn bộ Ban lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam DCCH, chúng rêu rao trên đài phát thanh của chúng ở Hà Nội và ở cả Paris là chúng đã phá nát, làm câm họng Đài TNVN. Nhưng với sự thông minh của kỹ thuật phát thanh Việt Nam, trong đó có Nguyễn Cung, ngay tối ngày 7/10/1947, các làn sóng Đài TNVN vẫn phát sóng bình thường.
Nhắc đến tên ông Nguyễn Cung, những người làm KTPT suốt từ 1945 - 1990, từ kỹ sư đến công nhân ai ai cũng khâm phục và kính trọng ông, ông thực sự là người thầy, người kiến trúc sư, một tổng công trình sư xuất sắc của ngành KTPT Việt Nam.
Ngày 4/4/1991, ông ra đi sau một cơn nhồi máu cơ tim. Trên ngực ông không nhiều huân chương, nhưng sự nghiệp, cuộc đời ông là ánh hào quang sáng mãi trong các thế hệ KTPT Việt Nam./.