Kỷ niệm 52 năm ngày thảm họa da cam/dioxin
VOV.VN -Nhiều hoạt động ý nghĩa được các địa phương trên cả nước triển khai nhằm biểu dương, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Sáng 9/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 52 năm ngày thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2013), nhằm tưởng nhớ các nạn nhân chất độc da cam đã qua đời, biểu dương những nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống và ghi ơn các tổ chức cá nhân đã giúp đỡ người nhiễm chất độc da cam trong thời gian qua.
Hiện nay, TP Hà Nội có trên 50.000 nạn nhân nhiễm và phơi nhiễm chất dioxin, trong đó 19.000 người đang được hưởng chế độ chính sách.
Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay có 27 quận huyện, 270 xã phường và 466 thôn xóm, tổ dân phố có tổ chức hội và Chi hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Với các phong trào “Tết vì nạn nhân chất độc da cam”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân”, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP HCM Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân với số tiền ủng hộ trên 25 tỉ đồng.
Hội đã hỗ trợ thăm hỏi tặng quà trên 44.000 lượt nạn nhân khó khăn; hỗ trợ và sửa chữa 200 căn nhà, tặng 300 xe lăn, xe đạp, trợ giúp vốn sản xuất cho gia đình nạn nhân khó khăn để chăn nuôi gia súc, gia cầm; tặng học bổng, sổ tiết kiệm cho 500 lượt người, khám bệnh cấp thuốc cho 25.000 lượt nạn nhân....
Những việc làm này đã góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau cho các nạn nhân da cam, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Sáng nay, TP Cần Thơ tổ chức họp mặt kỷ niệm 52 năm Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam”và tặng học bổng, xe lăn cho nạn nhân.
Theo thống kê, TP Cần Thơ có hơn 4.000 người nhiễm độc da cam/dioxin và số lượng tiếp tục tăng lên trong các thế hệ đời sau của những người nhiễm bệnh.
Dịp này, thành phố chọn thí điểm thống kê số nạn nhân thế hệ cháu bị ảnh hưởng ở 3 quận, huyện vùng ven là: Ô Môn, Thới Lai và Cờ Đỏ với tổng 30 xã, phường, thị trấn để bổ sung tài liệu cho cuộc đấu tranh đòi công lý cho các thế hệ nạn nhân.
Tại lễ họp mặt, TP Cần Thơ trao tặng 88 suất học bổng trị giá mỗi suất 500.000 đồng cùng các phần quà cho con em nạn nhân và 20 xe lăn cho các nạn nhân bị tàn tật.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Đà Nẵng khởi công xây dựng Trung tâm Xông hơi - Thải độc và Phục hồi chức năng tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, do quỹ Harris Freeman Foudation của Mỹ tài trợ, Trung tâm Xông hơi - Thải độc và Phục hồi chức năng, rộng 200m2, dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm nay.
Đối tượng điều trị tại trung tâm là những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin 3 thế hệ và người dân có nhu cầu tẩy các loại độc tố, hóa chất trong cơ thể.
Trung tâm đi vào hoạt động sẽ áp dụng phương pháp điều trị dưạ trên nguyên lý giải độc, thông qua đường tiết mồ hôi, tiêu hóa, tiết niệu…bằng phương pháp xông hơi cổ truyền, kết hợp với việc uống Vitamin của Mỹ để thải các loại độc tố trong cơ thể, giúp cải thiện, tăng cường sức khỏe cho các nạn nhân.
Kỷ niệm 52 năm Ngày thảm họa da cam/dioxin, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh Đắc Lắc tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 50 gia đình nạn nhân da cam, mỗi suất 300.000 đồng. Dịp này, Tỉnh hội cũng xây dựng xong và bàn giao 2 nhà tình nghĩa cho các gia đình nạn nhân đang gặp khó khăn về nhà ở, mỗi nhà trị giá 40 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng thêm 4 nhà.
Tỉnh Yên Bái tổ chức phát động “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam và ủng hộ Dự án Ngân hàng bò tỉnh Yên Bái năm 2013”. Hiện nay toàn tỉnh Yên Bái có 1.382 nạn nhân chất độc da cam, trong đó 81 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, 240 đối tượng mất khả năng lao động, đời sống vật chất tinh thần gặp nhiều khó khăn, rất cần sự chia sẻ và giúp đỡ của cộng đồng.
Trong năm 5 qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái đã tổ chức vận động ủng hộ, giúp đỡ 4.821 lượt nạn nhân chất độc da cam/dioxin với số tiền gần 4 tỷ đồng thông qua các hình thức khám chữa bệnh, trao tặng xe lăn, hỗ trợ làm nhà và hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng nhà nuôi dưỡng bán trú nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Công trình được xây dựng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sóc Trăng thuộc phường 3, TP Sóc Trăng, có qui mô 8 giường với tổng vốn đầu tư gần 1,2 tỉ đồng.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 14.300 nạn nhân chất độc da cam. Việc đưa nhà nuôi dưỡng vào hoạt động sẽ từng bước giúp đỡ những khó khăn, đáp ứng nhu cầu nuôi dạy, phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại địa phương./.