Kỷ niệm 79 năm thành lập VOV: Trung tâm kỹ thuật PTTH chắp cánh sóng vươn xa
VOV.VN - Sau 79 năm đồng hành phát triển, Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong sự nghiệp chắp cánh sóng vươn xa của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngày 2/9/1945, với máy phát sóng 300W đặt tại số 4 phố Đinh Lễ, Hà Nội, các cán bộ kỹ thuật của Bộ Thông tin Tuyên truyền đã phát sóng chương trình phát thanh đầu tiên, truyền đi bản Tuyên ngôn Độc Lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng Trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng chính là dấu mốc sự ra đời của bộ phận kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng phát thanh đầu tiên, tiền thân của Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam ngày nay. Sau 79 năm đồng hành phát triển, Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong sự nghiệp chắp cánh sóng vươn xa của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Những ngày gần đây, quân và dân khu vực Bắc Trung Bộ vui mừng phấn khởi khi được nghe làn sóng phát thanh của Đài TNVN trên sóng AM. Giờ đây thính giả ở khu vực này, đặc biệt là những ngư dân hàng ngày đang vươn khơi bám biển có thể nghe rõ hơn, nét hơn, độ phủ sóng rộng ổn định hơn những chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đối với những người lính lênh đênh trên biển nhiều ngày, thì được bầu bạn với làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam là nguồn động viên vô cùng to lớn.
Trung tá Võ Ngọc Hoan, Phó thuyền trưởng Tàu 862, Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải Quân, chia sẻ: "Khi đi thực hiện nhiệm vụ không có sóng điện thoại, Internet, nghe được Đài tiếng nói Việt Nam cảm thấy vui mừng và tự hào, xúc động. Khi đi thực hiện nhiệm vụ cũng có thể cập nhật thông tin, cũng như tình hình trên đất liền.. Cán bộ chiến sĩ cũng an tâm vững tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ ngoài biển xa".
Việc đưa vào vận hành Đài phát sóng khu vực Bắc Trung Bộ cũng chính là việc cụ thể hóa chủ trương của Đài Tiếng nói Việt Nam không phát triển các đài phát sóng trung và sóng ngắn công suất lớn tại trung tâm các đô thị lớn mà chuyển đổi sang các khu vực khác phù hợp với điều kiện từng khu vực.
Ông Hoàng Hữu Dũng, Giám đốc Đài phát sóng Bắc trung Bộ, cho biết: "Đài phát sóng Bắc Trung Bộ đưa vào sử dụng, khai thác về công nghệ hiện đại, khai thác đơn giản, công suất ổn định. Đồng thời sóng đi rất xa, đảm bảo chất lượng và môi trường xung quanh".
Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng và thiết bị kỹ thuật chuyên dùng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã có sự thay đổi vượt bậc, phát triển rộng khắp. Hiện nay, Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình đang quản lý, khai thác 62 đài, trạm phát sóng trải rộng trên phạm vi cả nước, từ đồng bằng tới các vùng núi cao, vùng biên giới, hải đảo.
Trưởng thành từ một cán bộ công nhân kỹ thuật, sau gần 40 năm gắn bó với Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Đông Hưng, Giám đốc Đài phát sóng đối ngoại (trước đây là Đài phát sóng VN1) cảm nhận: "Từ lúc tôi vào công tác thì Đài phát sóng VN1 là hiện đại nhất lúc bấy giờ công nghệ tiến tiến hiện đại, nhưng hiện Đài phát sóng Bắc Trung Bộ máy đã có công nghệ phát triển mạnh mẽ. Mặc dù công suất là 200 KW nhưng với công nghệ hiện giờ kích thước máy nhỏ gọn hơn không chiếm nhiều diện tích không gian, quan trọng nhất là hiệu suất máy rất cao, so với những máy mà tôi từng vận hành trước đây. Đây cũng là một sự phát triển vượt bậc của Đài Tiếng nói Việt Nam hiện nay".
Là một đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình có chức năng định hướng phát triển kỹ thuật, công nghệ phát thanh, truyền hình và truyền thông đa phương tiện. Cùng với đó là quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống truyền dẫn phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng và mở rộng vùng phủ sóng các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Tiếng nói Việt Nam đến với đông đảo khán thính giả trong nước và quốc tế.
Về sự kiện, cũng như tầm quan trọng khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng chính thức tại khu vực Bắc Trung Bộ, ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết: "Theo khảo sát của chúng tôi ở khu vực này các loại hình truyền thông còn nhiều hạn chế, người dân tiếp cận thông tin chủ yếu bằng sóng phát thanh, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì thế, để tăng cường tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nâng cao dân trí cho khu vực này, Đài Tiếng nói Việt Nam đã cùng với UBND tỉnh Quảng Bình thực hiện việc di dời đài phát sóng khu vực Bắc Trung Bộ từ trung tâm thành phố Đồng Hới ra khu vực ngoại ô.
Sau thời gian phát sóng thử nghiệm, chúng tôi chính thức phát sóng từ 1/7/2024, phát sóng Chương trình Thời sự VOV1 và Văn hóa xã hội VOV2, công suất mỗi kênh là 200KW. Phủ sóng trên đất liền là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và một phần Thừa Thiên Huế cho đến biên giới Việt- Lào. Còn trên biển phát sóng khu vực Bắc Trung Bộ, Vịnh Bắc Bộ".
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, dù mang tên gọi nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn làm tròn sứ mệnh được giao và đã được phong tặng các phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều năm được tặng Cờ thi đua Chính phủ. Đặc biệt, năm 2018 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những phần thưởng cao quý đó chính là động lực để tập thể cán bộ nhân viên Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình phấn đấu đảm bảo cho cánh sóng Tiếng nói Việt Nam mãi vươn cao, bay xa.