Lâm Đồng: Ngang nhiên phá rừng lấn chiếm đất công khai gần UBND xã
VOV.VN -Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn 2 xã Tà Hine và Đà Loan của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bùng phát mạnh.
Do giá đất sản xuất nông nghiệp trong thời gian gần đây tăng cao, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn 2 xã Tà Hine và Đà Loan của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bùng phát mạnh.
Trong khi đó, đơn vị chủ rừng và Ban lâm nghiệp xã làm ngơ và thiếu trách nhiệm khiến nhiều ha rừng biến thành đất trống và rẫy cà phê.
Một khoảnh rừng tại tiểu khu 364 thuộc rừng phòng hộ Ninh Gia đã bị chặt hạ và cải tạo thành vườn.
Cách trung tâm xã Tà Hine, huyện Đức Trọng chưa đầy 1km, cánh rừng thông hai bên trục đường liên xã thuộc tiểu khu 364 đã bị kẻ gian chặt hạ, đốt gốc và đào hố nham nhở, với tổng diện tích rừng bị tàn phá trên 2ha. Mỗi ha, chỉ cần có cây cà phê bám rễ xuống là có thể bán được cả tỷ đồng.
Điều đáng nói, việc phá rừng chiếm đất này được thực hiện công khai trong suốt thời gian dài, người dân địa phương ai ai cũng đều trông thấy nhưng cơ quan chức năng, cụ thể là chính quyền địa phương, cán bộ lâm nghiệp xã và đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Gia, huyện Đức Trọng lại chỉ lập biên bản ghi nhận hiện trường.
Sau khi chặt hạ cây rừng, các đối tượng nhanh chóng đốt gốc và đào hố. |
Theo ông Ya Vương, Trưởng Công an xã, Phó Ban lâm nghiệp xã Tà Hine, do việc phá rừng diễn ra lén lút nên rất khó để bắt quả tang, xác định đối tượng vi phạm.
“Thường thường họ phát phá vào ban đêm, vì ban ngày anh em ở đây đi tuần tra suốt. Do không bắt được quả tang nên lập biên bản vắng chủ, không xác định được đối tượng vi phạm. Việc phát phá là thực hiện trước đó, còn mới đây là đào hố. Họ cứ lén lút đào mỗi tối hơn chục hố, giờ đã đào hơn ngàn hố rồi nhưng là đều làm ban đêm. Ở đây gần đường lộ, gần xã nhưng vì mình chỉ là kiêm nhiệm nên không rõ, trực tiếp phải là Hạt kiểm lâm và Ban lâm nghiệp”, ông Ya Vương nói.
Việc phá rừng, đào hố để chiếm đất diễn ra công khai vào ban ngày. |
Ngoài diện tích rừng đã bị phá trắng, đào hố, dọn dẹp và cải tạo hoàn thiện như đất vườn, nhiều khoảnh rừng khác tại tiểu khu 364 của rừng phòng hộ Ninh Gia, thuộc địa bàn xã Tà Hine, huyện Đức Trọng cũng đang trong tình trạng bị tận diệt, nhiều cây rừng bị cưa hạ nằm ngổn ngang.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Cán bộ Kiểm lâm địa bàn, Hạt kiểm lâm huyện Đức Trọng, do giá đất tăng cao, nhu cầu sản suất nông nghiệp ngày càng lớn, một số đối tượng đã đứng ra thuê người dân tộc thiểu số tại địa phương phá rừng để lấn chiếm đất, sau đó sang nhượng lại cho người khác để thu lợi bất chính.
Một khu vực rừng thông vừa bị cưa hạ, mục đích là chiếm đất. |
Tuy nhiên, việc truy tìm kẻ chủ mưu đứng đằng sau tổ chức các vụ phá rừng hết sức khó khăn, trong khi đơn vị chủ rừng thờ ơ và thiếu trách nhiệm. Tình trạng phá rừng chiếm đất ở nơi đây ngày càng diễn ra nóng bỏng.
“Nói thật là có nhiều vấn đề lắm. Đa số là bây giờ những đại gia họ có tiền nên đứng ra thuê bà con làm, rồi còn đứng canh gác cán bộ kiểm lâm ngay cả đêm hôm. Chúng tôi giờ không báo qua xã nữa vì như vậy sẽ bị lộ thông tin, thậm chí cán bộ tiểu khu ở đây cũng không tin tưởng đâu, nói thật sự với nhà báo nó như thế đấy. Khu vực chỗ này giờ rất nóng bỏng, huyện ủy có văn bản chỉ đạo rất nhiều mà vẫn không bắt được đối tượng vi phạm. Bây giờ nếu họ trồng xuống là mình nhổ, chỉ có cách “đánh đu” như vậy thôi”, ông Nguyễn Văn Hạnh cho biết.
Giống như ở xã Tà Hine, các tiểu khu khác của rừng phòng hộ Ninh Gia thuộc địa bàn các xã giáp ranh Đà Loan, Ninh Loan, Đa Quyn, Tà Năng cũng rơi vào cảnh tương tự. Trong đó có nhiều diện tích rừng đã bị “giải tỏa trắng” và đã được thay thế bằng các loại cây công nghiệp dài ngày.
Nếu những bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở nơi đây không sớm được chấn chỉnh, chắc rằng sẽ có thêm nhiều khoảnh rừng khác biến thành đồi trọc và sau đó nhanh chóng trở thành vườn./.
Phá rừng, chiếm đất lâm trường để trồng keo ở Quảng Trị
Các ban quản lý đang giữ rừng hay phá rừng?
Bình Thuận yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân trong vụ phá rừng Tà Cú