Làm thế nào để người bệnh có cơ hội tiếp cận các thuốc mới sớm hơn?
VOV.VN - Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã giúp tháo gỡ vướng mắc, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động khám chữa bệnh của các bệnh viện từ trung ương đến các địa phương.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh, sát thực tiễn cuộc sống qui định trong Luật Đấu thầu sửa đổi để không chỉ giúp ngành y tế hoàn thành tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn đảm bảo quyền được tiếp cận nguồn thuốc mới, thuốc tốt nhanh chóng phục vụ nhu cầu điều trị của người dân.
Theo ước tính của Bộ Y tế, trong năm 2018 có khoảng 60.000 lượt bệnh nhân ra nước ngoài điều trị, làm “chảy máu” nguồn ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, Singapore đã tiếp nhận hơn 30.000 lượt người Việt Nam đi du lịch kết hợp khám chữa bệnh trong tổng số 400.000 lượt khách quốc tế; Thái Lan cũng đang là “vùng đất hứa” của người Việt tìm đến với hơn 17.000 người/ năm.
Chính vì vậy, luật hóa cơ chế mua sắm thuốc có tầm quan trọng đặc biệt để bệnh nhân thêm cơ hội tiếp cận những loại thuốc tốt nhất và công nghệ mới nhất, theo nhu cầu điều trị, cũng như giữ chân được nhóm bệnh nhân có thu nhập cao lựa chọn chữa bệnh trong nước, giữ được một nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Đồng thời, điều này cũng góp phần thúc đẩy các công ty dược phẩm hàng đầu trên thế giới chú trọng đầu tư phát triển thị trường ở Việt Nam
Còn theo báo cáo của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, thông qua đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2022, tổng giá trị thuốc trúng thầu giảm 17,98% (giảm 1.419 tỷ đồng) so với giá kế hoạch, giúp thực hiện mục tiêu quản lý giá thuốc tại các cơ sở y tế được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất tại từng địa phương. Trong khi đó, giá biệt dược gốc (BDG) đối với hầu hết các nhóm điều trị chính tại Việt Nam cũng đã ở mức thấp của các nước trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, tỷ trọng sử dụng thuốc BDG tại các cơ sở y tế của Việt Nam là 11% - mức thấp so với trung bình 27.1% tại các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài ra, người bệnh Việt Nam lại đang chịu nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận thuốc mới so với các nước trong khu vực. Năm 2022, chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trên tổng 460 loại thuốc mới ra thị trường trong 10 năm, từ 2012- cuối 2021). Đây là một bất hợp lý bắt nguồn từ một trong những bất cập từ cơ chế mua sắm, đấu thầu thuốc hiện hành.
Đề cập đến dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội khoá XV cho rằng, Dự án Luật quy định đấu thầu tập trung được áp dụng khi hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn. Tuy nhiên, đề nghị đấu thầu tập trung thực hiện đối với cả hàng hóa, thuốc men, vật tư với số lượng nhỏ, rất nhỏ. Quy định như vậy sẽ phục vụ cho bệnh nhân ở tất cả các bệnh viện, qua đó giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời hạn chế tiêu cực trong mua sắm, bệnh nhân không phải mua thuốc trôi nổi trên thị trường. “Theo tôi quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế theo hai đoạn: Thứ nhất, đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia thì lựa chọn nhà thầu có chất lượng và có giá trần. Thứ hai, các cơ sở y tế có nhu cầu, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp phù hợp hoạt động của cơ sở mình” GS.TS Nguyễn Anh Trí đề xuất.
Từ thực tế giám sát, ông Tạ Văn Hạ, Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Nam cho biết, tại các địa phương, Sở là đơn vị đấu thầu rồi cấp phát cho các đơn vị. Tuy nhiên, một số tỉnh do chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến cả tỉnh chậm, không có thuốc điều trị cho bệnh nhân. Trong khi ở các bệnh viện tư thực tế phản ánh “mua thuốc rất đơn giản, phù hợp với giá cả thị trường”, nhưng các bệnh viện công dù đủ năng lực để mua, cuối cùng vẫn chờ Sở đấu thầu, trình lên nhiều lần, thậm chí là gần 6 tháng mới có được thuốc. ĐBQH Tạ Văn Hạ đánh giá “Tôi nghĩ là như vậy là bất cập, riêng với ngành y tế là ngành đặc thù. Cho nên cần phải xem xét quy định về đấu thầu tập trung đấu thầu giá thuốc cho phù hợp.”
Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay, việc đấu thầu các thuốc phục vụ cho nhu cầu sử dụng tại các cơ sở y tế đang được tiến hành và kết quả đang được sử dụng chung cho cả thuốc sử dụng và không sử dụng ngân sách quỹ bảo hiểm y tế. Cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên bệnh viện cũng chỉ được mua thuốc đã trúng thầu ở chính cơ sở y tế đó hoặc trúng thầu ở bệnh viện tuyến tỉnh hoặc trung ương trong vòng 12 tháng.
Cần đa dạng hóa lựa chọn thuốc cho bác sỹ
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh về việc đã đến lúc phải luật hóa cơ chế thích hợp nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho việc mua sắm thuốc phục vụ cho đối tượng bệnh nhân tự chi trả, song song với việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng và giá thuốc thông qua cơ chế quản lý cấp phép lưu hành và quản lý giá kê khai của Bộ Y tế. Việc này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và chọn lựa thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc của các bác sĩ và bệnh nhân tự chi trả, tạo ra khả năng đa dạng hóa nguồn thuốc điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng y tế, khám chữa bệnh của quốc gia.
Chia sẻ về việc tiếp cận và quyền lựa chọn thuốc điều trị cho bệnh nhân, TS.BS Nguyễn Trọng Thế, PGĐ Trung tâm nghiên cứu Y học Việt Đức, Phó chủ nhiệm Khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho rằng, khi điều trị, bác sĩ luôn ưu tiên lựa chọn những loại thuốc mà nó phù hợp với người bệnh nhất. Những trường hợp mà bệnh nhân nặng nguy kịch yêu cầu đòi hỏi phải điều trị có hiệu quả càng sớm càng tốt thì sẽ ưu tiên bố trí sử dụng thuốc có hiệu quả điều trị ngay tức thì. Việc đa dạng hóa lựa chọn thuốc cho bác sỹ chúng tôi sử dụng cũng vô cùng quan trọng vì bệnh thì cùng một bệnh thì có nhiều mức độ khác nhau. “Bên cạnh việc đa dạng số lượng thuốc thì chúng tôi nghĩ rằng càng ngày càng đa dạng hơn tiếp cận các nguồn thuốc để đảm bảo khi chúng ta có nhu cầu lớn mà trong thời gian ngắn, chúng ta có thể có để đáp ứng với nhu cầu khám, chữa bệnh và điều trị” TS.BS Nguyễn Trọng Thế nói.
Dự án sửa đổi Luật Đấu thầu đang được báo cáo, cho ý kiến tại các kỳ họp của các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (dự kiến bắt đầu từ ngày 22/5/2023), có thể tháo gỡ từng bước nút thắt thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiếp cận thuốc mới, biệt dược gốc của bác sĩ, người bệnh theo tinh thần Luật Khám bệnh, chữa bệnh; định hướng của Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017. Trong bối cảnh hiện nay 95/100 giường bệnh thuộc các bệnh viện công lập cho nên các quy định mua sắm ảnh hưởng tới các bệnh viện công lập mang tính quyết định trong việc gia tăng các cơ hội tiếp cận thuốc mới cho người bệnh Việt Nam.
Chính vì vậy, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã dành riêng khoản 2, Điều 55 về Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế. Đây chính là thời điểm để cân nhắc tháo gỡ từng bước một cách hài hòa nút thắt thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiếp cận thuốc mới, biệt dược gốc của bác sĩ, người bệnh. Cụ thể, đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, cơ sở y tế tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu. Điều này giúp cơ sở y tế có thêm chủ động trong mua sắm thuốc, kỳ vọng sẽ từng bước khắc phục thực trạng bất cập hiện nay với mục tiêu người bệnh được tiếp cận các loại thuốc tốt nhất và sớm nhất./.