Lần đầu tiên, Việt Nam kêu gọi nam giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ
VOV.VN - Bộ LĐTB&XH kêu gọi tất cả trẻ em trai và nam giới đứng lên để giải quyết bất bình đẳng, bất công và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Với chủ đề "Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái", Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam từ ngày 15/11 - 15/12/2016.
Sự kiện đã thu hút sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức, mọi người dân, trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bộ LĐTB&XH đã bình chọn đây là một trong 10 sự kiện năm 2016 của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.
Gần 60% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Do đó, cần thiết phải có hành động toàn cầu để giải quyết vấn đề này.
Màn biểu diễn nghệ thuật ca ngợi tình yêu thương gia đình, nói không với bạo lực nhân Tháng hành động Vì bình đẳng giới |
Số liệu từ Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và LHQ tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy: 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong 3 hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng. 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.
Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” của LHQ, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam.
Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.
Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, vẫn diễn biến phức tạp và đang là vấn đề gây bức xúc toàn xã hội. Tại Việt Nam, Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán, lạm dụng tình dục và bạo lực ngoài môi trường gia đình.
Hiện tại, thế giới có hơn 700 triệu phụ nữ còn sống đã kết hôn khi còn nhỏ, 250 triệu người trong số đó đã kết hôn trước 15 tuổi. Những cô gái kết hôn trước 18 tuổi ít có khả năng hoàn thành công việc học tập của mình và đồng thời có nhiều nguy cơ về bạo lực gia đình và biến chứng sau khi sinh.
Nam giới cần “ra tay” để chấm dứt bạo lực
Việt Nam đã dần từng bước xây dựng khung pháp lý giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, cũng như tăng cường thực thi pháp luật nhằm từng bước thu hẹp bất bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa luật pháp, chính sách và thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.
Đông đảo nam thanh niên diễu hành kêu gọi nam giới chung tay phòng chống bạo lực đối với phụ nữ |
Trước đó, ngày 2/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020. Ngày 22/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1464/QĐ – TTg phê duyệt Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020: 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, hỗ trợ và can thiệp kịp thời; 50% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, tư vấn hoặc có hình thức xử lý phù hợp, hướng tới môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực.
Với việc triển khai Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai sự kiện này nhằm đánh thức mỗi người dân suy ngẫm sâu sắc hơn và hành động thiết thực hơn để cùng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc và phát triển bền vững.
“Một quốc gia mạnh khỏe, không còn nghèo đói, công bằng và “không ai bị bỏ lại phía sau” là ước nguyện chính đáng của mỗi con người. Ước vọng đó sẽ sớm trở thành hiện thực nếu tất cả chúng ta cùng chung tay vun đắp bằng đầy đủ trách nhiệm và tình yêu thương. Thực hiện bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái!” – ông Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.
Theo Liên Hợp Quốc, bạo lực đối với phụ nữ là vi phạm các quyền con người, tuy nhiên nó hiện đang trở thành một vấn nạn toàn cầu, với 1 trong 3 phụ nữ và trẻ em gái đang phải trải qua các hình thức bạo lực. Do đó, xã hội cần chung tay để chấm dứt nạn bạo hành đối với phụ nữ.
Đối với sự kiện lần đầu được tổ chức tại Việt Nam này, Bộ LĐTB&XH cùng các đối tác kêu gọi tất cả trẻ em trai và nam giới ở Việt Nam sẽ đứng lên để giải quyết sự bất bình đẳng, bất công và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ cần phải là ưu tiên hàng đầu đối với cả nam giới và nữ giới./. Bị bạo hành tình dục, nhiều phụ nữ tìm đến cái chết
Kết quả thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam trong các lĩnh vực đã có nhiều điểm sáng như: Lần đầu tiên có 3 đồng chí nữ tham gia Bộ Chính trị, có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Với tỷ lệ 26,8% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, Việt Nam xếp thứ 60/193 quốc gia trên thế giới và xếp thứ 4/11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN.
Lao động nữ chiếm tỷ lệ 48,3% trong lực lượng lao động của cả nước. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại đạt 24,9%. Tỷ lệ biết chữ của phụ nữ trong độ tuổi từ 15-24 đạt 96,5%…