Lào Cai nâng cấp độ phòng, chống cháy rừng
VOV.VN - Thời tiết nắng hanh trở lại sau chuỗi ngày giá rét khiến nhiều khu vực rừng ở Lào Cai lại rơi vào nguy cơ cháy cấp IV, V. Do đó, nhiệm vụ phòng, chống giặc lửa tiếp tục được các ngành, địa phương đẩy mạnh.
Ngay sau khi nhận được tin cảnh báo về việc loại gió nguy hiểm có tính chất khô, ấm mang tên Ô Quý Hồ quay trở lại, chính quyền thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai - nơi mới xảy ra các đợt cháy rừng lớn vào hạ tuần tháng 2 đã có chỉ đạo ưu tiên công tác phòng, chống cháy lên hàng đầu.
Riêng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm trên địa bàn thị xã, 13 khu vực với 8 nghìn hecta rừng nguy cơ cháy cao đã được khoanh, cắm chốt. Ngoài lực lượng kiểm lâm, mỗi thôn, bản của thị xã trong khu vực Vườn Quốc gia còn có một tổ bảo vệ rừng từ 15 – 20 thành viên thường xuyên túc trực, sẵn sàng ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.
Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: "Đầu tiên là chúng tôi giao cho các địa phương, đặc biệt là các thôn, bản, gắn trách nhiệm với đồng chí Bí thư, Trưởng thôn, bản trong tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng phát hiện, ngay khi có đám cháy xảy ra sẽ cấp báo cho chính quyền để có biện pháp xử lý kịp thời nhất".
Lào Cai hiện có gần 60 nghìn hecta rừng đặc dụng trong diện bảo tồn nằm tại Sa Pa, Bát Xát và Văn Bàn. Ngoài ra còn hơn 100 nghìn hecta rừng phòng hộ, còn lại là rừng giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý. Các thông tin cảnh báo, chỉ đạo phòng, chống cháy rừng thường xuyên được cập nhật qua hệ thống theo dõi khí tượng, báo cháy qua vệ tinh v.v… Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp tỉnh Lào Cai với khoảng 4,5 nghìn thành viên cùng các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng cũng sẽ là các nhân tố để huy động khi có tình huống xảy ra.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lào Cai ngày càng có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với các đợt cháy rừng. Tuy nhiên, luôn cần bám sát vào đặc thù địa phương để chủ động trước mọi tình huống, nhất là ở những nơi địa hình phức tạp như rừng núi cao.
"Ở vùng rừng núi cao thì thường là cây không cao, khi không có những cây lớn thì thực bì hầu hết là những cây tái sinh mọc nhanh và vào các tháng 11, 12, 1, 2 lại khô nỏ, chỉ cần một tàn lửa thôi cũng cháy. Do đó chúng tôi vẫn nói rằng công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng phải lấy phòng làm chính, phát hiện kịp thời, và chữa cháy phải khẩn trương để giảm thiểu thiệt hại về rừng cũng như tài sản của nhân dân", ông Thiện nói.