Lao động chưa thể di chuyển trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN
VOV.VN - Do khung trình độ quốc gia trong khối ASEAN tồn tại những rào cản nên lao động Việt Nam chưa thể di chuyển sang các nước làm việc và ngược lại.
Theo cam kết của các thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trước mắt 8 ngành nghề gồm: kỹ sư, kế toán, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, điều dưỡng, nhân viên vận chuyển và nhân viên du lịch sẽ được tự do di chuyển lao động sau khi cộng đồng chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015.
Tuy nhiên, do khung trình độ quốc gia hiện nay trong khối ASEAN vẫn tồn tại những khoảng cách cùng những rào cản về ngôn ngữ, luật pháp… nên hiện nay lao động Việt Nam chưa thể di chuyển sang các nước làm việc và ngược lại.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Simon Matthews, Giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông về nội dung này.
Ông Simon Matthews trả lời phóng viên VOV |
PV: Xin ông cho biết lao động sẽ phải đảm bảo những điều kiện gì để được di chuyển tự do trong Cộng đồng kinh tế ASEAN?
Ông Simon Matthews: Đầu tiên, để di chuyển trong khối ASEAN, ví dụ với ngành kỹ sư chẳng hạn, người lao động sẽ cần phải có chứng chỉ được công nhận, hay còn gọi là yêu cầu về mặt kĩ thuật cần được đảm bảo.
Thứ hai là yêu cầu về ngôn ngữ, mà đa số yêu cầu là tiếng Anh. Thứ ba là yêu cầu về kĩ năng mềm. Sự khác biệt về văn hóa cũng quan trọng vì người lao động sẽ không chỉ di chuyển trong 1 tuần, mà thường sẽ là cả năm. Vì vậy, thích nghi cùng gia đình cùng với sự chọn lựa văn hóa phù hợp sẽ là một thách thức với người lao động.
PV: Như vậy là sự lưu chuyển lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN mới chỉ ở bước khởi đầu. Vậy khi nào thì 8 ngành nghề mà Cộng đồng cam kết được tự do lưu chuyển sẽ trở thành hiện thực, thưa ông?
Ông Simon Matthews: Một năm trước, tôi đi du lịch ở London (Anh) và cảnh sát chỉ đường cho tôi lại là một người Ba Lan. Nhưng với ASEAN, sự di chuyển này sẽ không giống EU, điều đó có nghĩa là không phải chỉ cần có tấm hộ chiếu Việt Nam, bạn có thể đến bất cứ đâu trong khối ASEAN để làm việc.
Thực tại, vẫn còn thiếu rất nhiều vấn đề bảo hộ trong khu vực và nên nhớ tham gia khối AEC không phải là luật bắt buộc, mà mang tính khuyến khích. Hiện tại, tôi chưa thấy có sự thay đổi lớn nào. Mặc dù vậy, xu hướng lao động nước ngoài trong khối ASEAN sẽ đến Việt Nam nhiều hơn nếu họ nhận được giấy phép làm việc thuận lợi hơn, tương tự như tại đất nước khác trong ASEAN.
Bản thân tôi cũng không chắc chắn khi nào các nước sẵn sàng mở cửa. Điều này tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ khi lắng nghe doanh nghiệp cũng như điều kiện dành cho người lao động.
PV: Vậy theo ông, ngành nghề nào sẽ thu hút được nhiều lao động nước ngoài đến Việt Nam trong tương lai?
Ông Simon Matthews: Tôi nghĩ đó là kỹ sư. Việt Nam có rất nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước. Vì vậy, sẽ rất có nhu cầu trong tuyển dụng kỹ sư tay nghề cao. Nói về ngành nghề kỹ sư, giống như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, định nghĩa còn rất mơ hồ, kỹ sư có thể bao gồm các ngành nghề như kỹ sư công nghệ, chuyên gia công nghệ thông tin…
Vì vậy tôi nghĩ, kỹ sư công nghệ sẽ là số 1, sau đó là kỹ sư xây dựng. Việt Nam sẽ có thể có thêm nhà máy lọc hóa dầu và vì vậy nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ sư nước ngoài tay nghề cao sẽ có, nhất là khi ngành nghề này đang thiếu hụt kỹ năng lao động.
Sau đó là du lịch, nếu bạn muốn thu hút khách du lịch Nga chẳng hạn, bạn sẽ muốn lao động hiểu biết văn hóa, ngôn ngữ của Nga để thu hút khách đến Việt Nam. Ngoài ra chúng ta vẫn nói đến bác sĩ, y tá. Họ cần được đào tạo thêm về ngôn ngữ để làm việc tại nước sở tại./.
PV: Xin cảm ơn ông./.