Lao động trẻ em ở TP HCM, bài toán chưa có lời giải
VOV.VN -Tại TP HCM, từ trước tới nay, giải quyết tình trạng lao động trẻ em luôn là bài toán khó do nhiều nguyên nhân.
Lao động trẻ em được hiểu là tình trạng trẻ em dưới 14 tuổi tham gia lao động và trẻ em trong độ tuổi từ 14-17 phải lao động trong điều kiện độc hại, nặng nhọc, vi phạm pháp luật về quyền con người, quyền trẻ em.
Tại TPHCM, từ trước tới nay, giải quyết tình trạng lao động trẻ em luôn là bài toán khó do nhiều nguyên nhân.
Một bé gái 11 tuổi ở Đắc Nông được bố đưa về sau khi bị dẫn dụ về TP HCM làm việc
Theo ngành chức năng, để quản lý và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến lao động trẻ em tại TP, quan trọng nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa TP HCM với các tỉnh, thành khác, nhất là các địa phương có nhiều lao động di cư đến đây.
Đắc Nông là một trong những địa phương có đông lao động di cư đến TP HCM, trong đó có lao động trẻ em. Ngành chức năng của tỉnh này như Sở Lao động- Thương binh- Xã hội (LĐTBXH), Công an đã phối hợp chặt chẽ để quản lý, phát hiện kịp thời lao động trẻ em (gồm trẻ dưới 14 tuổi) được đưa xuống thành phố.
Tháng 4/2018, báo Nhân Dân và Sở LĐTBXH Đắc Nông phát hiện vụ một nhóm trẻ em nữ là người dân tộc thiểu số được đưa xuống TP HCM làm việc, can thiệp kịp thời và tháng 7/2018 đưa các em trở lại địa phương.
Vụ việc này được phía Đắc Nông gửi văn bản cho Sở LĐTBXH TP HCM nhưng chỉ là văn bản ban đầu, mang tính thông báo.
Thực tế cho thấy, đã có sự phối hợp giữa các tỉnh với TP HCM trong xử lý tình trạng lao động trẻ em, nhưng sự phối hợp này chưa chặt chẽ.
Năm nay, Đắc Nông đưa ra con số 54 trẻ em được đưa xuống TP HCM lao động trái quy định pháp luật. Nhưng ở TP HCM, chỉ riêng việc thống kê trẻ em di cư thôi cũng chưa làm được.
Từ đầu năm đến nay, thành phố không thống kê được con số trẻ em di cư đến, các vụ tố cáo lao động trẻ em khi ngành chức năng đến kiểm tra đều không phát hiện ra.
Nguyên nhân là do địa bàn rộng, khó nắm được địa chỉ cụ thể của các cơ sở sử dụng lao động, lao động trẻ em biến động từ nơi này sang nơi khác, cơ sở sử dụng lao động trẻ tìm đủ mọi cách để “lách” luật như: làm theo mùa vụ, thời gian ngắn, khai báo là con cháu học nghề, thay đổi điều kiện làm việc khi có đoàn kiểm tra…
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐTBXH TP HCM đề nghị: “Đây là một thách thức trong quá trình phối hợp. Chúng ta chia sẻ cách thức kết nối, chia sẻ thông tin như thế nào khi có sự vụ xảy ra. Tôi đề nghị nếu có trẻ em lao động mà các tỉnh phát hiện ra thì cung cấp cho chúng tôi để cùng giải quyết. Ngược lại, TP HCM có sự vụ liên quan đến trẻ em, chúng tôi cũng cung cấp cho các tỉnh để hỗ trợ chúng tôi”.
Khi lao động trẻ em được đưa xuống TP HCM để làm việc xử lý tình trạng này phần ngọn của vấn đề.
Theo ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc Trẻ em, Sở LĐTBXH Đắc Lắc vấn đề lao động trẻ em phải được phòng ngừa từ gốc, tức là từ chính gia đình, địa phương nơi các em đang sinh sống.
Ngành công an cần có sự can thiệp mạnh mẽ hơn, nhất là trong nắm tình hình, xử lý.
Đắc Lắc hiện có danh sách gần 200 em lao động ở TP HCM nhưng không thể biết ở đâu: “Trong danh sách chúng tôi nắm đều ở TPHCM nhưng cụ thể ở chỗ nào thì không rõ được. Mà tiếp cận thì cán bộ hành chính như chúng tôi làm rất khó. Cho nên để làm được vấn đề này và phối hợp chặt chẽ thì không chỉ riêng công an hình sự mà công an hành chính quản lý hộ khẩu, tạm trú tạm vắng đề nghị phải theo dõi chặt”.
Như vậy, trong tất cả các giải pháp có thể làm để phòng ngừa, giải quyết tình trạng lao động trẻ em ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung, cần thiết nhất lúc này là sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh thành với nhau và với ngành chức năng có liên quan như công an. Làm sao để ngăn ngừa từ gốc tình trạng lao động trẻ em, chứ không để đến lúc xảy ra phạm pháp.
Đại tá Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an nói: “Lao động trẻ em chưa phải vi phạm về pháp luật hình sự. Chỉ khi nào trẻ em bị dụ dỗ, ép buộc, mua bán, cưỡng bức… cấu thành một tội nào đấy thì mới thành tội phạm hình sự. Còn các vấn đề này cơ quan công an phối hợp với chính quyền địa phương, ngành LĐTBXH hạn chế tối thiểu tình trạng lao động trẻ em”.
Lao động trẻ em ở TP HCM có từ rất lâu, có dấu hiệu hình thành đường dây môi giới, nguy cơ dẫn đến tình trạng xâm hại, bóc lột sức lao động, thậm chí là nguy cơ mua bán người.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH nói: “Vấn đề trẻ em nhập cư và lao động trẻ em ở TP HCM vẫn trong tình trạng rất khó kiểm soát và ít nhiều còn lúng túng trong can thiệp, trong cơ chế phối hợp giữa thành phố với các địa phương có nhiều trẻ em đến TP HCM bởi vì cơ chế này chưa rõ ràng, chưa thường xuyên, chưa liên tục. Sự lúng túng, chưa có cơ chế rõ ràng này không chỉ lỗi ở TP HCM mà do cơ chế phối hợp điều phối nói chung”.
Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy, tại TP HCM có hơn 80.000 trẻ em từ 14-17 tuổi tham gia làm kinh tế, trong đó có hơn 44.000 là lao động trẻ em.
Để giải quyết thực trạng này, TP cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn; có sự phối hợp với các địa phương vì vấn đề di cư lao động tự do, trong đó có trẻ em về TP đang diễn ra ngày càng phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy./. Việt Nam hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em