Lấp sông để bảo vệ bờ kè khỏi sạt lở, chuyện lạ ở Kon Tum
VOV.VN - Hàng nghìn mét khối đất, đá đổ xuống lòng sông Pô Kô, đoạn thuộc thôn Đông Sông, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum với mục đích bảo vệ bờ kè khỏi sạt lở. Việc làm trái tự nhiên này được một đơn vị thi công thực hiện khiến người dân bức xúc.
Hiện trường cho thấy đất đá được đơn vị thi công đổ dọc theo chân tuyến kè bờ Đông, sông Pô Kô với chiều dài gần 200 mét, chiều ngang khoảng 15 mét lấn ra phía giữa sông. Phần chân kè, đất đá còn được vun cao với chiều rộng khoảng 6 mét.
Một người dân ở thôn Đông Sông, thị trấn Đăk Glei, cho biết, việc đổ đất đá xuống lòng sông để bảo vệ bờ kè chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Pô Kô.
“Ối đổ ban ngày chứ. Đá đổ xe to. Tôi ở đây là gần 30 năm tôi biết. Nước tự nhiên mà đi kiểu như con rắn í. Lúc sang bên đây lúc lấn sang bên kia. Khi mà lấn sang bên này thì kè lúc ấy các ông làm xong rồi, lại đổ đất để nắn sang kia. Nước không vào đây thì không phá được bờ kè để khỏi vỡ bờ kè đây. Nắn bên này thì nước buộc phải sang bên kia”.
Trước ý kiến của người dân và thông tin báo chí phản ánh về việc đổ hàng nghìn mét khối đất đá xuống lòng sông Pô Kô, ông Rơ Châm Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra song chưa có kết quả cuối cùng.
“Chúng tôi đã tiếp thu và thành lập đoàn đi kiểm tra, giao cho Ban quản lý xây dựng cơ bản của huyện chủ trì phối hợp cùng Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Kinh tế hạ tầng cùng UBND thị trấn kiểm tra hiện trạng mà bờ kè có hiện tượng đổ đất ra đấy. Đến thời điểm hiện nay là đoàn đang tiến hành các bước kiểm tra”, ông Rơ Châm Định nói.
Tuyến kè bờ Đông sông Pô Kô, đoạn qua thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum được khởi công cách đây hơn 14 năm với chiều dài gần 2km. Tuyến kè có tổng mức đầu tư trên 93 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng phòng chống lụt bão cấp bách.
Vào tháng 9/2022, do ảnh hưởng của bão số 4, phần chân và mái kè bị sạt lở, hư hỏng tổng chiều dài khoảng 60m, sau đó được sửa chữa, gia cố lại. Đến nay, khi tuyến kè mới hoàn thành thì lại xảy ra việc đơn vị thi công đổ hàng nghìn m3 đất, đá để lấp sông nắn dòng chảy nhằm bảo vệ bờ kè khỏi sạt lở.