Tiền Giang:

Lấy tinh thần Ấp Bắc làm bệ phóng để phát triển

(VOV) -Chiến thắng Ấp Bắc đã để lại cho Tiền Giang những bài học sâu sắc về sự đột phá, sáng tạo mới làm nên kỳ tích.

Ngày 2/1/1963, lực lượng địch hơn 2.000 quân chủ lực, bảo an với phương tiện chiến tranh hiện đại: Máy bay, tàu chiến do cố vấn Mỹ cùng nhiều tướng ngụy chỉ huy đã mở trận càn vào Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang giải phóng và gom dân, lập ấp chiến lược.

Trong khi đó, tại đây lực lượng cách mạng chỉ khoảng 200 người, gồm bộ đội chủ lực khu 8; bộ đội địa phương tỉnh Mỹ Tho và huyện Châu Thành; dân quân du kích các xã Tân Phú, Điềm Hy, Tân Hội cùng quần chúng nhân dân cách mạng đã bám trụ chiến đấu quật cường suốt ngày đêm chống lại kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần về số lượng và trang thiết bị quân sự.

Bà Trương Thị Nghề, nhân chứng trong trận đánh lịch sử Ấp Bắc nhớ lại: “Lúc đó, nhà cửa ruộng vườn bị phá vì địch liên tục nã pháo vào khu vực này”.

Bằng chiến thuật lấy ít thắng nhiều, dựa vào hệ thống công sự và chiến thuật nghi binh tài tình, quân dân ta đã đánh bại nhiều đợt tấn công của địch, đánh tan các cuộc đổ bộ bằng máy bay ở Ấp Bắc và Ấp Tân Thới; đánh bật nhiều mũi tiến công bằng bộ binh.

Cùng ngày, để phối hợp trên cả chiến trường và căng kéo địch, ta đã tổ chức lực lượng tiến công địch trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, binh vận trên khắp địa bàn tỉnh Mỹ Tho, cả nông thôn lẫn thành thị.

Tại Ấp Bắc, ta đã tiêu diệt 450 tên địch, 3 xe lội nước bị cháy, 8 máy bay trực thăng bị bắn rơi, 1 tàu chìm và 2 tàu khác bị hư hỏng nặng. Địch thất bại thảm hại trong trận càn này.

Chiến thắng Ấp Bắc đã bánh bại hai chiến thuật chủ yếu trong "Chiến tranh đặc biệt" là "Trực thăng vận" và "Thiết xa vận"; làm đảo lộn chương trình bình định của địch ở đồng bằng sông Cửu Long, khiến chúng hoang mang, dao động.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở VH-TT và Du lịch tỉnh Tiền Giang nói: “Trận Ấp Bắc trong lịch sử làm chấn động địa cầu. Ở Cuba cũng lấy tên chiến thắng Ấp Bắc để đặt tên cho một tiểu đoàn, chợ cũng như một trường học mang tên Ấp Bắc”.

Bà Trần Kim Mai - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Chiến thắng này mang một ý nghĩa quan trọng mà quốc tế biết đến. Đây là chiến thắng bẻ gãy ý đồ của Mỹ triển khai chiến tranh kiểu mới tại miền Nam Việt Nam. Cả thế giới đều quan tâm đến trận Ấp Bắc lúc bấy giờ”.

Nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng Chiến thắng Ấp Bắc đã để lại cho cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang nói riêng những bài học sâu sắc về sự đột phá, sáng tạo mới làm nên kỳ tích.

Đặc biệt trong tình hình kinh tế thế giới suy thoái, niềm tự hào về chiến thắng Ấp Bắc càng tiếp thêm niềm tin, nghị lực để tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, năng động tìm ra các giải pháp hữu hiệu để ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Tối 31/12, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm chiến thắng Ấp Bắc.

Kết quả tăng trưởng kinh tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 5 năm (2005 - 2010) là 11% ; năm 2011 đạt 10,6%; năm 2012 đạt 9,8%. Bình quân thu nhập đầu người/năm của tỉnh năm 2011 là 29 triệu đồng, thì năm 2012 là 32,8 triệu đồng, con số rất ấn tượng và có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Có thể nói, trải qua những năm tháng đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước, Ấp Bắc, xã Tân Phú đang thật sự vươn lên mạnh mẽ. Ngày nay, những hố bom, mảnh vườn từng bị bom cày, đạn xới đã được phủ một màu xanh của lúa, của vườn cây ăn trái trĩu quả. Người dân nơi đây đã và đang quyết tâm xây dựng một nông thôn mới trên quê hương Ấp Bắc anh hùng ngày thêm giàu đẹp./.                                                    

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiền Giang cần đột phá vào hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế
Tiền Giang cần đột phá vào hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế

Thủ tướng nêu rõ, muốn phát triển nhanh bền vững, đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải tập trung vào 3 khâu đột phá là hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường.

Tiền Giang cần đột phá vào hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế

Tiền Giang cần đột phá vào hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế

Thủ tướng nêu rõ, muốn phát triển nhanh bền vững, đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải tập trung vào 3 khâu đột phá là hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường.

Tiền Giang khen thưởng 2 giáo viên dũng cảm cứu người
Tiền Giang khen thưởng 2 giáo viên dũng cảm cứu người

Khi thấy có người lao từ cầu xuống sông tự vẫn, hai thầy giáo đã bỏ dở bữa tiệc để cứu người.

Tiền Giang khen thưởng 2 giáo viên dũng cảm cứu người

Tiền Giang khen thưởng 2 giáo viên dũng cảm cứu người

Khi thấy có người lao từ cầu xuống sông tự vẫn, hai thầy giáo đã bỏ dở bữa tiệc để cứu người.