Lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai phải dân chủ, công khai
(VOV) -Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Việc lấy ý kiến nhân dân về bộ luật này phải đảm bảo tinh thần dân chủ, công khai, khoa học.
Chuẩn bị cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày mai (1/2), sáng 31/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo Hội nghị.
Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã phát huy nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm.
Tuy nhiên, chính sách pháp luật đất đai vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và các thủ tục hành chính về đất đai.
Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 và những quan điểm, định hướng nêu trong Nghị quyết 19, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với các bộ ngành xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng: Việc lấy ý kiến nhân dân về bộ luật này phải đảm bảo tinh thần dân chủ, công khai, khoa học, với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người tham gia.
Xác định vị trí, vai trò của Luật Đất đai có tác động đến từng người dân và tất cả các mặt của đời sống kinh tế-xã hội nên việc lấy ý kiến đầy đủ của toàn dân để xây dựng dự thảo Luật Đất đai toàn diện và hiệu quả để trình Quốc hội là điều hết sức quan trọng.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm 14 chương và 206 điều, tăng 7 chương và tăng 60 điều so với Luật Đất đai hiện hành./.