Lò gạch thủ công “đốt cháy” làng quê

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định về việc xóa bỏ lò gạch thủ công trước năm 2010, song đến thời điểm này, trên nhiều địa bàn khu vực huyện ngoại thành Hà Nội, quyết định đó vẫn bị “phớt lờ”.  

Một vụ việc đau lòng vừa mới xảy ra sáng 15/11 tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) khi 3 người tử vong, 2 người khác bị hôn mê, phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc khí đốt lò gạch. Nhưng sẽ chẳng có gì phải quá ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến “công trường lò gạch” tại nơi này…

Khói độc bốc lê nghi ngút tại một lò gạch ở xã Bắc Sơn (Ảnh: ANTĐ)

Mới vào đầu giờ sáng, con đường vào xã Bắc Sơn mờ trong một lớp bụi, hàng đoàn xe tải ra vào chở gạch, đất. Đây là một trong những điểm khai thác đất sét làm gạch, ngói lớn trong huyện Sóc Sơn. Đi sâu vào thôn Lai Sơn, cả khu vực cánh đồng rộng lớn nham nhở vì những hố đất, bãi xỉ than, đất, hàng chục lò gạch vẫn rực lửa.

Xã Bắc Sơn có tới 67 điểm khai thác đất và 102 lò gạch thủ công. Chính vì vậy, người dân nơi đây ngoài việc phải chịu đựng bụi bẩn từ xe cộ cày phá đường sá còn hứng trọn khói bụi từ các lò gạch đốt. Theo tìm hiểu, toàn bộ lò gạch ở đây đều là lò thủ công, sử dụng than và củi để đốt. Nhiều người dân trong xã phản ánh về việc người dân ở đây hay bị bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Lai Sơn bức xúc: “Gia đình tôi sống gần lò gạch, cứ hôm nào có đốt lò thì mùi khó chịu lắm và phải mấy ngày mới hết mùi.  Biết khói đốt gạch độc hại nhưng chẳng biết làm thế nào được!”

Trước tình trạng các lò gạch thủ công hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất, người dân trong xã Bắc Sơn đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền và ngành chức năng nhưng các lò gạch thì vẫn hoạt động như thường.

Ông Nguyễn Văn Hiến người thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn bày tỏ, biết là khói bụi gây độc hại nhưng “chỉ biết thế thôi chứ nói với ai được, bởi toàn anh em người làng với nhau chẳng lẽ lại làm đơn?”

Tình trạng người dân sống chung với khói bụi lò gạch không chỉ diễn ra ở xã Bắc Sơn mà ở nhiều xã khác. Trên toàn địa bàn huyện Sóc Sơn, hiện vẫn tồn tại 139 điểm khai thác đất và 293 lò gạch thủ công phân bố trên 18 xã. Trong số này có 140 lò gạch không đảm bảo các điều kiện môi trường và không phù hợp với quy hoạch, các chủ khai thác đất và hoạt động sản xuất gạch ngói thủ công không có giấy tờ liên quan đến môi trường, gần 80 điểm khai thác đất hoạt động trong đất vườn của người của các hộ gia đình, cá nhân.

Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có đề cập việc tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng thủ công ở các địa phương, nhằm giảm tối đa việc sử dụng đất canh tác và xây dựng các lò gạch thủ công không theo quy hoạch gây ô nhiễm tại các vùng ven đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở các khu vực trước năm 2010. Tuy nhiên, tại huyện Sóc Sơn, Quyết định này đã không được thực hiện nghiêm túc.

Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thừa nhận, việc giải quyết các lò gạch rất phức tạp, một số chính quyền cơ sở chưa thực sự kiên quyết. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng của người dân rất lớn và ưu thế về giá cả là một trong những khó khăn không nhỏ cho việc xóa bỏ các lò gạch thủ công.

Các con vật nuôi bị chết do ngạt khói lò gạch tại xã Bắc Sơn (Ảnh:ANTĐ)

Về vụ việc 3 người ở Bắc Sơn chết nghi do ngạt khí lò gạch, ông Trí cho rằng là một bài học cảnh tỉnh để cho chính quyền các cấp phải có một thái độ kiên quyết hơn. “Chắc chắn thông qua vụ việc này, chính quyền sẽ rút bài học kinh nghiệm để chỉ đạo quyết liệt hơn. Tới đây, những lò gạch không đảm bảo thì sẽ kiên quyết xử lý cho phá dỡ”, ông Trí cho biết.

Một lần nữa cần khẳng định, việc xoá bỏ các lò gạch thủ công là chủ trương đúng để bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân cũng như chính những người đốt lò gạch thủ công. Tuy nhiên, để chủ trương đó trở thành hiện thực, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, đảm bảo theo đúng tiến độ xóa bỏ lò gạch thủ công vào năm 2010 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên