Lo ngại “nền y tế giá rẻ” từ cơ chế đấu thầu thuốc, vật tư y tế
VOV.VN - "Một thực tế đáng buồn là cả 3 chân kiềng của ngành y tế, từ dự phòng, điều trị cho tới cung ứng đều đang ở trong tình trạng tan nát"- bà Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại buổi giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội với Sở Y tế TP.HCM.
Cả 3 chân kiềng của ngành y tế TP.HCM gồm dự phòng, điều trị và cung ứng đều đang ở trong tình trạng tan nát; Lo ngại về việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế dẫn đến một “nền y tế giá rẻ” là những nhìn nhận thẳng thắn của các đại biểu trong chiều 24/8, tại buổi giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội với Sở Y tế TP.HCM về thực hiện chính sách pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
3 chân kiềng của ngành y tế trong tình trạng “tan nát”
Theo Bà Phạm Khánh Phong Lan, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, TP.HCM có vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp cho y tế của đất nước. Tất cả các chính sách, cơ chế thử nghiệm đều thực hiện ở đây. Thế nhưng một thực tế đáng buồn là cả 3 chân kiềng của ngành y tế, từ dự phòng, điều trị cho tới cung ứng đều đang ở trong tình trạng tan nát. Bây giờ nếu không thay đổi từ cách nhìn nhận, cơ chế, chủ trương thì sẽ không kìm hãm được sự tan nát này.
Về lĩnh vực y tế dự phòng, ngành y tế đã có những phân tích rất sâu, nhưng đối với hệ thống điều trị, sự đãi ngộ đối với nhân viên y tế, cơ chế tự chủ có phát huy được chất xám. Cùng với đó, việc cung ứng thuốc, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế… đều tồn tại nhiều vấn đề, cần có sự phân tích và đề xuất phương án tháo gỡ. Tất cả đều liên quan mật thiết tới cơ chế của Bảo hiểm Y tế.
Bà Phạm Khánh Phong Lan thắc mắc, liệu cơ chế BHYT của chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là cơ chế tài chính nhiều người lo cho 1 người, để đạt hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân, hay đặt mục tiêu cao nhất làm sao không vỡ quỹ BHYT.
“Muốn không vỡ quỹ BHYT thì cũng như 1 doanh nghiệp, tức là có đầu thu và đầu chi, phải tăng thu, giảm chi. Thế nhưng, rõ ràng việc tăng thu gặp khó khăn, vượt ngoài tầm kiểm soát, nên lại chọn giải pháp nhanh nhất là siết chi. TP.HCM là nơi chịu siết chi BHYT nhiều năm liền”- bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Nguy cơ đấu thầu thành “nền y tế giá rẻ”
Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cũng chia sẻ, trước đó, khi đang đảm nhiệm trực tiếp công tác đầu thầu thuốc, vật tư cho ngành y tế đã gặp phải nhiều bất cập. Cụ thể như có tình huống là sau khi TP.HCM đã hoàn thành đấu thầu xong với kết quả lựa chọn giá thấp nhất lúc đó, thế nhưng chỉ vài tháng sau, ở một tỉnh thành khác có đơn vị đấu thầu mặt hàng tương tự, giá giảm xuống, thì phía cơ quan bảo hiểm lại yêu cầu áp giá thấp hơn đó, dẫn đến dôi ra một số tiền. Sau đó buộc các bệnh viện phải xuất toán. Đây là vấn đề thị trường, khi tăng giá không được bù nhưng khi thấy giá giảm thì buộc áp dụng theo.
Từ đó, bà Lan đặt vấn đề: Liệu Sở Y tế TPHCM có dám đề xuất học tập mô hình của các nước, tức là không cần đấu thầu; cùng với đó, quy về một mối cả mua sắm lẫn BHYT, giao toàn bộ nguồn quỹ cho ngành y tế sử dụng phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Nếu Sở Y tế thí điểm ở một vài bệnh viện, vài địa phương thì sẽ tiết kiệm hơn, sẽ đạt được mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt cho người bệnh. Thực tế hiện nay tại TP.HCM số người mua BHYT rất nhiều nhưng số bệnh nhân vào bệnh viện từ chối khám chữa bệnh bằng BHYT cũng nhiều.
Về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, bà Lan cho rằng đây là vấn đề tồn tại hàng năm, cộng với tác động khách quan của dịch bệnh khiến tình hình trầm trọng hơn chứ không phải lỗi của TP.HCM. Tuy nhiên, TP cần nhìn nhận thực tế là có tình trạng thiếu thuốc, Bộ Y tế cũng sẽ căn cứ vào điều này để xây dựng chính sách, thậm chí khi chưa thiếu đã phải dự đoán trước thời điểm thiếu để có thể xử lý một cách quyết liệt nhất. TP.HCM không nên nói rằng TP không thiếu thuốc, gây bức xúc trong bệnh viện và cho cả người dân.
Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc và vật tư y tế, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, nếu vĩ mô không định hướng đến chất lượng mà cứ chăm chăm vào mua thuốc với “giá thấp nhất” thì nguy cơ sẽ thành “nền y tế giá rẻ”. Hiện các loại thuốc được bán cũng đủ một số tiêu chuẩn, song nếu cùng loại thuốc vẫn có sự chênh lệch giá rất nhiều, không thể nào so sánhvề chất lượng.
“Thuốc phải đấu thầu thôi, nhưng mà đấu thầu để ra thuốc có chất lượng mà giá hợp lý. Chỉ cần thay đổi câu đó thôi. Chứ còn đấu thầu mà chọn thuốc thấp nhất đúng là sẽ ra nền y tế giá rẻ, không thể nào với chất lượng cao nhất được, cái này chúng ta phải mạnh dạn nhìn nhận, cho dù con người giỏi như thế nào. Đó là những điều mà cần cơ chế cấp Quốc Hội mới thay đổi chỉnh sửa được”- PGS Tăng Chí Thượng nói.
Cũng theo tư lệnh ngành y tế TP.HCM, hiện tại, các bệnh viện tham gia BHYT “rất tội nghiệp”, nhiều bệnh viện không đủ nguồn thu từ khám chữa bệnh, chi trả BHYT không đủ nên không có khả năng trả lương tăng thêm cho nhân viên y tế. Nhiều nơi chỉ có lương cơ bản, hàng loạt nhân viên nghỉ việc. Các giám đốc bệnh viện đều mong mỏi định hướng thay đổi chiến lược trong việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế./.