Lớp học tình thương giữa lòng Tây Đô

VOV.VN - Lớp học này không những dạy chữ mà còn dạy cách làm người, để các em tự tin hơn trong cuộc sống.

Bén duyên với nghề giáo cách đây 37 năm, tự nhận mình là một cô giáo “trường làng”, cô Liêu Thị Mỹ Hiếu (thường gọi là cô Uyên), sống tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ được nhiều người biết đến là giáo viên đầy nhiệt huyết, đặc biệt là “người mẹ thứ hai” của những em có hoàn cảnh khó khăn theo học lớp tình thương do cô mở ra.

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, cứ hè đến hay mỗi buổi tối trong năm học, tiếng học sinh trả bài, tiếng giáo viên giảng bài cứ đều đều vang lên. Lớp học tình thương này đóng chân tại đây cũng hơn 10 năm, từ khi cô Uyên thôi dạy ở trường tiểu học Lê Quý Đôn. Lớp học với vài chiếc bàn nhỏ nối dài từ nhà ra đến cổng nhưng có đến trên dưới 20 em học sinh theo học.

Sinh ra, lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em, cô Uyên không được học hành đến nơi, đến chốn. Năm 18 tuổi, khi tham gia công tác đoàn tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, cô được phường gợi ý tham gia dạy học lớp tình thương. Lúc đầu ngại vì mình cũng không biết nhiều, hơn nữa lại không có chuyên môn sư phạm nên cô Uyên từ chối. Tuy nhiên, hoàn ảnh của các em đã làm cô thương cảm và cô quyết định vừa dạy, vừa tự học nâng cao kiến thức, để mang lại con chữ, phép tính giúp các em bớt khó khăn hơn. 

Từ một cô cán bộ đoàn, dần dà cô Uyên trở thành cô giáo dạy trẻ “trường làng, tình thương”. Năm 1989, cô được về dạy tại trường tiểu học Lê Quý Đôn, đây là bước ngoặt để cô trở thành giáo viên chính thức có chuyên môn và cũng tiếp thêm động lực xóa mù chữ cho trẻ em nghèo.

Cô Uyên bộc bạch: “Hầu như mình dạy các em không được đến trường, cái tâm nguyện của mình chỉ nghĩ là các em sẽ biết đọc, biết viết, ra đường biết đường này đường gì, rồi biết tính tiền, cầm một cái đơn, cái thư biết trong đó nói gì, biết làm một bài toán để khi bán vé số không bị mất tiền, mình cảm thấy mình vui rồi”.

Lớp học tình thương của cô Uyên thường dạy trẻ mỗi ngày từ 1 đến 2 tiếng, từ lớp 1 đến lớp 5. Do ban ngày vất vả mưu sinh (chỉ số ít may mắn được đến trường, nhưng cũng không đủ tiền học thêm), buổi tối các em được hòa mình vào môi trường học tập khiến các em thấy rất vui, hạnh phúc. Bản thân mỗi em đều xem đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Em Phạm Gia Lạc, 16 tuổi, ở quận Ninh Kiều, hiện bán vé số mưu sinh, biết đến lớp học của cô Uyên từ năm 2014. Do gia đình khó khăn nên học hết lớp 2 em đã nghỉ học bán vé số phụ gia đình. Sau đó, gia đình chuyển nhà đi nhiều nơi, em cứ học với cô xong, lại phải gián đoạn. Năm 2019, về Cần Thơ, em lại đến tìm cô, học chữ, học tính. Cô không la mắng hay từ chối em, còn động viên, em cảm thấy vui và biết ơn.

“Em đi học đây rất vui, tới sinh nhật các anh chị tổ chức cho chúng em. Tới Tết, được các mạnh thường quân ủng hộ, cô dẫn đi mua quần áo, giày dép. Con cám ơn cô đã cho con chữ và con như có thêm người mẹ thứ hai”, em Gia Lạc chia sẻ.

Không chỉ truyền tình thương cho học sinh, tấm lòng của cô còn truyền lửa cho các bạn sinh viên trên địa bàn. Nếu trước đây mình cô chỉ có thể chỉ bài cho 5 - 7 em, thì giờ nhờ lực lượng sinh viên tình nguyện, lớp học đã có thể nhận trên 20 em. Bạn Nguyễn Trần Trúc Nghi, sinh viên năm 2, trường Đại học Y Dược Cần Thơ, gần 2 năm dạy ở lớp học tình thương cho biết, em biết tới lớp học thông qua câu lạc bộ Vì trẻ thơ của trường. Ở đây ngoài học chữ các bé còn được yêu thương dạy dỗ như con cháu trong nhà. Đến đây ngoài chuyện dạy cho các bé thì em cũng học được rất nhiều từ cô, nhất là tính kiên nhẫn, tân tâm với công việc: “Cô rất rộng lượng và đưa hết nhiệt huyết của mình vào lớp học. Vài năm sau, nếu em không bận lịch đi trực bệnh viện em sẽ tiếp tục dạy ở đây. Ngày nào còn cống hiến được sức mình cho mấy em nhỏ thì em vẫn làm”. 

Luôn nhận mình là cô giáo trường làng nhưng với nhiều người cô Uyên từ lâu đã là một người thầy mẫu mực trong lòng bao thế hệ học trò, nhất là các em có hoàn cảnh đặc biệt. Ngày 20/11 hằng năm, cô không nhận được những bó hoa tươi, những món quà đắt tiền, chỉ nhận được những tấm thiệp nhỏ tự tay các em lớp học tình thương làm, mà lòng cô ấm áp lạ thường. Những tấm thiệp ấy được cô lưu lại ở một góc nhỏ trong lớp học.

Ngoài dạy chữ, cô Uyên còn tự học cách làm móc khóa bằng hột nhựa, hột pha lê để dạy lại cho các em lớp học tình thương. Cô Uyên chia sẻ, việc làm móc khóa giúp các em học được tính kiên nhẫn, chăm chỉ và mỗi lần sản phẩm được bán ra không những mang lại nguồn kinh phí hoạt động cho lớp, còn mang lại niềm vui cho các em. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì giúp các em có cuộc sống tốt hơn và hơn nữa các em còn biết yêu thương mọi người.

“Điều cô mong muốn nhất là các em có khai sinh đầy đủ, các em được đến trường như bao bạn khác. Học tại lớp này các em biết đọc, viết, làm toán thôi, còn các môn các em không được học đầy đủ và sẽ thua sút bạn bè. Có em rất thông minh, ham học và mơ ước làm sao mỗi em đều được đến trường”, cô Uyên nói.

Lớp học của cô Uyên giờ đây đã được nhiều mạnh thường quân biết đến. Chắc rằng mong ước của cô dành cho các em sẽ thành hiện thực trong nay mai. 37 năm trong nghề “trồng người”, cô đã chắp cánh cho hàng trăm em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn biết đọc, biết viết, biết tính toán. Công việc này vẫn chưa dừng lại và việc làm ý nghĩa của cô Uyên sẽ lan tỏa tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp trong cộng đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Những “Chuyến xe ước mơ” – Chắp cánh em tới trường
Những “Chuyến xe ước mơ” – Chắp cánh em tới trường

VOV.VN - Năm học mới 2020-2021, lần đầu tiên tại Cần Thơ xuất hiện chiếc xe mang tên “Chuyến xe ước mơ”.

Những “Chuyến xe ước mơ” – Chắp cánh em tới trường

Những “Chuyến xe ước mơ” – Chắp cánh em tới trường

VOV.VN - Năm học mới 2020-2021, lần đầu tiên tại Cần Thơ xuất hiện chiếc xe mang tên “Chuyến xe ước mơ”.

“Chúng tôi sẽ chắp cánh ước mơ thi vào trường chuyên của con”
“Chúng tôi sẽ chắp cánh ước mơ thi vào trường chuyên của con”

VOV.VN - Vào trường chuyên là ước mơ của nhiều học sinh và bố mẹ luôn là người đồng hành, chắp cánh ước mơ cho con trong kỳ thi chuyên cam go này.

“Chúng tôi sẽ chắp cánh ước mơ thi vào trường chuyên của con”

“Chúng tôi sẽ chắp cánh ước mơ thi vào trường chuyên của con”

VOV.VN - Vào trường chuyên là ước mơ của nhiều học sinh và bố mẹ luôn là người đồng hành, chắp cánh ước mơ cho con trong kỳ thi chuyên cam go này.

Hành trình 5 năm “Cặp lá yêu thương” giúp chiếc lá chưa lành chạm tới ước mơ
Hành trình 5 năm “Cặp lá yêu thương” giúp chiếc lá chưa lành chạm tới ước mơ

VOV.VN - Những chiếc lá chưa lành với hoàn cảnh “khó khăn chồng khó khăn” nhưng trong ánh mắt vẫn trong sáng, đong đầy ước mơ đã chạm đến trái tim của những chiếc lá lành.

Hành trình 5 năm “Cặp lá yêu thương” giúp chiếc lá chưa lành chạm tới ước mơ

Hành trình 5 năm “Cặp lá yêu thương” giúp chiếc lá chưa lành chạm tới ước mơ

VOV.VN - Những chiếc lá chưa lành với hoàn cảnh “khó khăn chồng khó khăn” nhưng trong ánh mắt vẫn trong sáng, đong đầy ước mơ đã chạm đến trái tim của những chiếc lá lành.