Lữ đoàn Đặc công 316 và những ngày tháng oai hùng
VOV.VN -Những người cựu binh - chiến sĩ đặc công, biệt động năm xưa vẫn đầy tự hào về một thời “luồn sâu, đánh hiểm” của Lữ đoàn 316.
Lữ đoàn 316 Đặc công - Biệt động được thành lập vào đầu năm 1974 để chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng của quân và dân ta, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đã 40 năm trôi qua, kể từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, nhưng mỗi khi nói đến những năm tháng đấu tranh hào hùng đó, ánh mắt của những người chiến sĩ lặng thầm ấy vẫn ánh lên niềm tự hào vì được góp một phần công sức trong công cuộc giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Lữ đoàn 316 gồm 4 tiểu đoàn đặc công và 12 tiểu đoàn biệt động. Khi diễn ra cuộc tấn công và nổi dậy ở Sài Gòn, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ đánh chiếm 17 mục tiêu trong nội thành Sài Gòn và ở Biên Hòa, Vũng Tàu. Trong đó có 5 mục tiêu chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô và Dinh Tổng thống Ngụy.
Nhớ lại những ngày tháng 4 của 40 năm về trước, ông Trần Văn Nhân, một trong những chiến sĩ của Lữ đoàn 316 trực tiếp tham gia đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu vẫn thấy hừng hực khí thế đấu tranh. Khi đó ông là chánh điệp viên, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn biệt động Z32, đã cùng nhiều tiểu đoàn khác giành hàng loạt thắng lợi ở mặt trận Sài Gòn như: đánh chiếm cầu Ga, cầu Cát, cầu Rạch Sâu, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu.
Ông Trần Văn Nhân kể: “Đơn vị của chúng tôi được thành lập, quân số ít, trang bị gọn nhẹ nhưng được giao nhiệm vụ rất nặng nề. Chúng tôi đã hoàn thành được nhiệm vụ được giao, là niềm tự hào. Sau ngày miền Nam giải phóng, về Bộ Tư lệnh Miền, Lữ đoàn 316 được khen đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó là vinh dự của chúng tôi”.
Giờ tóc đã bạc, mắt đã mờ, giọng nói không còn sang sảng, nhưng ký ức về những năm tháng xông pha trận mạc cùng đồng đội trên chiến tuyến miền Nam trong giai đoạn 1974 - 1975 của ông Nguyễn Văn Chín ở Dầu Tiếng, Bình Dương vẫn còn vẹn nguyên.
Được lệnh của cấp trên, cuối tháng 4/1975, Trung đội trưởng tình báo Nguyễn Văn Chín đã phối hợp cùng các đặc công đánh thẳng vào Sài Gòn, tới cầu Rạch Chiếc. Khi giao đấu để giữ cầu Rạch Chiếc, quân ta phải hy sinh đến 52 chiến sĩ nhưng không ai nao núng lòng, tất cả mạnh mẽ tiến lên phía trước.
Ông Nguyễn Văn Chín nhớ lại: “Tinh thần lúc đó hăng say lắm. Toàn bộ lực lượng anh em trong đơn vị người nào cũng khí thế, hăng chí. Chúng tôi chuẩn bị tư thế gặp là đánh, đi là đánh, không chừa chỗ nào hết”.
Là một trong số hơn 2.000 chiến sĩ kiên cường thuộc Lữ đoàn 316, thời trai trẻ của ông Nguyễn Hữu Tài, 72 tuổi, ở quận Bình Tân gắn liền với khói đạn chiến tranh. Xuất phát từ gia đình thuần nông, năm 25 tuổi, ông tham gia cách mạng. Không lâu sau, ông được bầu làm Đội trưởng thông tin Tiểu đoàn 6. Tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tiểu đoàn của ông đã góp công lớn trong việc đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, rồi kết hợp với nhiều cánh quân đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch. Ông Nguyễn Hữu Tài nói, chiến tranh gắn liền với gian khổ và mất mát, nhưng khi nghĩ đến ngày đất nước thống nhất thì mọi trở ngại, hiểm nguy chẳng còn đáng sợ.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chùa Vĩnh Sương ở quận 3 được Lữ đoàn 316 chọn làm căn cứ hoạt động bí mật. Không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng từ năm lên 12 tuổi, Thích nữ Nhật Thành, Trụ trì chùa Vĩnh Sương đã làm “cô bé liên lạc” cho các chú, các anh chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 316 ngày ấy. Một buổi đi học, một buổi Thích nữ Nhật Thành men theo đường rầy xe lửa chuyển thông tin mật đến các chiến sĩ.
Thích nữ Nhật Thành nói về những năm tháng hoạt động cách mạng của mình: “Các anh, các chú thường về chùa để cùng nhau thông qua kế hoạch đánh depot (ga) xe lửa. Tôi là một chiến sĩ nhỏ tình nguyện đi chuyển thư từ, tài liệu và lương thực ra cho các anh, các chú”.
Ngày non sông liền một dải, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Lữ đoàn 316 được biên chế gọn lại thành Trung đoàn 316. Rồi đến năm 1979, sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia, Trung đoàn 316 giải thể.
Tuy không còn hoạt động nữa nhưng năm nào, những người cựu binh - chiến sĩ đặc công, biệt động năm xưa vẫn cùng nhau ôn lại bao tháng năm oanh liệt đầy tự hào của đơn vị để nhớ về một thời “luồn sâu, đánh hiểm”, giành nhiều chiến thắng vang dội./.