Luật Dược (sửa đổi): Trình 2 hình thức, phương thức kinh doanh dược
VOV.VN - Chiều 18/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bổ sung một số loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh Dược
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc.
Trong đó, có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 44 điều của 8 chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016.
Về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 12, 23, 28, 29, 32, 33, 37, 42, 43, 44, 46, 74 và bổ sung Điều 17a, 47a Luật Dược theo hướng bổ sung một số loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử và quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trên; việc kết nối đơn thuốc điện tử với cơ sở bán lẻ thuốc, liên thông dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dược;
Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề dược cho người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và số lượng Chứng chỉ hành nghề dược của các đối tượng này.
Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 35 Luật Dược, theo đó, bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với các cơ sở hoạt động dược không vì mục đích thương mại trong trường hợp có triển khai thực hiện các hoạt động thương mại liên quan đến lĩnh vực dược.
Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 44 và bổ sung Điều 53a Luật Dược theo hướng bổ sung một số quy định liên quan đến quyền phân phối thuốc của các cơ sở kinh doanh dược FIE, điều chỉnh quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp này bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng
Thẩm tra dự án Luật, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược hiện hành để giải quyết dứt điểm tất cả những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để giải quyết ngay một số vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của nhân dân; những nội dung mang tính chiến lược, chưa rõ, cần được tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi luật hóa.
Về các hình thức, phương thức kinh doanh dược mới, bà Thúy Anh cho hay, hai hình thức, phương thức kinh doanh dược mới được quy định trong dự thảo Luật, đó là kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Việc kịp thời luật hóa các nội dung này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc, thuận lợi và minh bạch trong bối cảnh thị trường dược Việt Nam đang ngày càng nở rộ các hình thức, phương thức kinh doanh nói trên.
Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội thấy rằng, với hình thức kinh doanh theo chuỗi, cần có quy định để phân biệt hình thức kinh doanh theo chuỗi nhà thuốc với hình thức kinh doanh nhượng quyền; làm rõ quan hệ về sở hữu, quản lý, vận hành giữa doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc với các nhà thuốc trong chuỗi cùng với trách nhiệm của các chủ thể; quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc và từng nhà thuốc thuộc chuỗi để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận hành mô hình mới này.
Với kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử: Cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm.
Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ cho phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử các thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; cần bổ sung quy định biện pháp để bảo đảm chất lượng thuốc và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đồng thời, tiếp tục rà soát để thống nhất với pháp luật về giao dịch điện tử.
Về quản lý giá thuốc, theo bà Thúy Anh, việc sửa đổi quy định liên quan đến quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Giá năm 2023, song quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất thuốc và cơ sở nhập khẩu thuốc trong việc kê khai lần đầu giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường,kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai là chưa phù hợp với Luật Giá.
Ủy ban Xã hội thấy rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán, do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước; giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cụ thể hơn nguyên tắc xác định “mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự” khi kê khai giá bán buôn dự kiến để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.