Lương tối thiểu vùng năm 2021 liệu có thể tăng?
VOV.VN - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, năm nay 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng GDP vẫn tăng trưởng dương, năng suất lao động tăng 5,4%... Đây là cơ sở để xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Sau các cuộc họp về lương tối thiểu vùng năm 2021 hồi đầu tháng 8/2020, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã kiến nghị Chính phủ giữ nguyên, tạm thời không tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2021 để đảm bảo sức phục hồi cho doanh nghiệp sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Song mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức có đề xuất trình Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2021 thay vì hoãn tăng lương cả năm như kiến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc cơ quan này đưa ra đề xuất căn cứ trên nhiều cơ sở khác nhau.
Cụ thể, theo ông Lê Đình Quảng, Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách tiền lương đã xác định rõ từ năm 2021, Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Luật Lao động 2019 cũng đã bổ sung thêm các tiêu chí điều chỉnh tiền lương tối thiểu như mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung cầu lao động, năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Theo ông Lê Đình Quảng, năm 2020, khi xem xét mức lương tối thiểu năm 2021 được đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế, do đó, Hội đồng Tiền lương quốc gia, Bộ LĐ-TB-XH đã đề xuất sẽ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021, giữ nguyên mức như năm 2020.
Tuy nhiên, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, cơ quan này chỉ đồng ý chưa xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 cho đến ngày 30/6/2021, còn sang năm 2021, vẫn cần xem xét các thông tin, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, khả năng khắc phục đại dịch Covid-19 làm căn cứ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng cho lao động.
"Trong năm nay 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng GDP của chúng ta vẫn tăng trưởng dương, năng suất lao động tăng 5,4%, các chỉ tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, thành lập doanh nghiệp…là có cơ sở để xem xét điều chỉnh tiền lương. Nếu không điều chỉnh, tiền lương tối thiểu sẽ không đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ", ông Lê Đình Quảng cho biết thêm.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, việc tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ ảnh hưởng, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, song điều này cũng sẽ tạo cho doanh nghiệp áp lực cải tiến kỹ thuật, tiết giảm những chi phí không cần thiết để tăng lương cho người lao động.
“Chúng tôi nghĩ sẽ tăng ở mức độ nào đó có thể hài hòa cho cả 2 phía, đảm bảo được người lao động có mức tăng lương tương ứng để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là để đảm bảo an sinh xã hội. Khi người lao động được tăng thêm thu nhập, an sinh xã hội tốt, sẽ gắn bó chặt chẽ, có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp, điều này cũng sẽ tác động tích cực trở lại doanh nghiệp”, ông Quảng nói.
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, hiện Chính phủ đã giao Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021, giao Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế, xã hội làm căn cứ báo cáo Chính phủ trước quý 2/2021./.