Merle Ratner - người bạn thủy chung của nhân dân Việt Nam

Là người Mỹ nhưng chị có tình yêu đặc biệt với Việt Nam, từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam từ năm 13 tuổi, treo khẩu hiệu phản chiến lên tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, và hiện là thành viên tích cực của Ban tổ chức cuộc vận động cứu trợ nạn nhân da cam Việt Nam tại Mỹ.

Chị Merle Ratner đã trở nên thân thuộc với nhân dân Việt Nam. Hồ hởi, nhiệt tình và thân mật đó là những ấn tượng mà bất cứ người Việt Nam nào tiếp xúc với chị cũng có thể cảm nhận được. Là người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, chị Merle Ratner cho biết chị đã đọc nhiều sách, báo viết về các lãnh tụ của Việt Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng nhiều nhà lãnh đạo khác. Từ việc biết và hiểu Việt Nam, chị đã hành động ủng hộ cuộc chiến đấu vì độc lập của nhân dân Việt Nam.

Năm 1969 khi 13 tuổi, chị Merle đã cùng cha và nhiều người Mỹ yêu chuộng hòa bình, xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Năm 16 tuổi chị đã tham gia treo khẩu hiệu phản chiến trên tượng Nữ thần Tự do của Mỹ. Nhiều lần chị đã bị cảnh sát Mỹ bắt tại các thành phố New York và Washington vì tham gia biểu tình.

Nhớ lại những ngày tháng đó chị Merle nói: “Tôi đã chứng kiến cảnh chiến tranh gây đau thương cho Việt Nam qua truyền hình, và những người khác kể lại. Tôi đã quyết định tham gia phong trào phản chiến, chúng tôi đã làm nhiều việc khác nhau như tổ chức các hoạt động cộng đồng cụ thể là đi từng nhà để vận động ký đơn đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, rồi cùng hàng trăm nghìn người rầm rộ xuống đường biểu tình. Lần đầu tiên tôi bị bắt nhưng tôi rất tự hào vì công việc mình đã làm”.

Chị Merle cùng nhiều người Mỹ tiến bộ đã rất vui, khi ngày 30/4/1975 miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, chiến tranh đã kết thúc và Việt Nam thống nhất. Chị kể: “Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ bởi vì chúng tôi biết rằng nhân dân Việt Nam sẽ giành thắng lợi, đây là một điều chắc chắn. Mặc dù cuộc chiến đã bị kéo dài nhưng cuối cùng điều gì đến cũng phải đến, đế quốc Mỹ đã bị đánh bại. Chúng tôi cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc bởi vì chúng tôi nhận thấy, chiến thắng này là của nhân dân Việt Nam nhưng đồng thời cũng là chiến thắng của cả những người chống chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới. Nó chứng tỏ một điều rằng nếu Mỹ tham gia vào bất cứ cuộc chiến  tranh phi nghĩa nào thì cuối cùng họ cũng bị đánh bại”.

Rồi khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, chị Merle vẫn là người dõi theo từng bước phát triển của Việt Nam. Chị là thành viên của Tổ chức Chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Chị đã không mệt mỏi vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, kiện các công ty hóa chất  của Mỹ, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Tổ chức của chị đã thu thập được 14 triệu chữ ký qua mạng để giúp các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện. Chị cũng là người trực tiếp tổ chức các chuyến đi cho các nạn nhân chất độc da cam và dioxin của Việt Nam đến Mỹ và chuyến đi trong tháng 4 này đã là chuyến đi  thứ 5.

Chị Merle cho biết: “Chuyến đi lần này nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa người Mỹ và người Việt Nam, để nói cho người Mỹ biết chất độc da cam đã gây đau khổ cho người Việt Nam như thế nào, để thấy rõ trách nhiệm của Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất của Mỹ phải hỗ trợ, bồi thường và trả lại công lý cho họ. Mỹ đã phá hủy hệ sinh thái ở Việt Nam và giết chết hàng triệu người Việt Nam. Chính phủ Mỹ giờ đây không những phải chịu trách nhiệm tẩy rửa môi trường ở những điểm nóng, mà còn phải cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, phục hồi chức năng, tạo công ăn việc làm cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam”.

Chị Merle đã nhiều lần đến Việt Nam, mỗi lần đến chị đều có một ấn tượng khác nhau, chị kể rằng chị rất xúc động khi được tham dự buổi gặp mặt với “Đội quân tóc dài”, hàng trăm nữ anh hùng đã đóng góp xương máu để tạo nên chiến thắng vang dội của Việt Nam. Mỗi lần đến chị lại càng yêu thêm đất nước con người Việt Nam. Năm nay Việt Nam  kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước, chị muốn chúc mừng sự kiện này và mong cho nhân dân Việt Nam đạt được nhiều thành tựu mới, chị nói:

“Tôi nghĩ rằng thành tựu lớn nhất mà Việt Nam đã đạt được đó là xóa đói giảm nghèo ở hầu hết các tỉnh của đất nước. Tôi cũng thấy được bước tiến trong việc triển khai công tác dân chủ ở cơ sở. Nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến nhân dân Việt Nam, bởi đây là một sự kiện lớn, một nguồn cảm hứng của nhân dân Việt Nam. Đây cũng sẽ là thời điểm tốt để Việt Nam tính đến giai đoạn tiếp theo nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và có bước đi mới, sáng tạo để xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ nền kinh tế Việt Nam đã phát triển hơn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên