Minh bạch trong quản lý tiền công đức
VOV.VN - Nhà nước đã có quy định về quản lý thu chi tiền công đức. Minh bạch trong sử dụng tiền công đức là để các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo được ý nghĩa và hiệu quả nhất.
Mới đây, báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 đã khiến dư luận chú ý.
Đoàn kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ.
Theo đó, trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách, nhưng số thu tiền công đức năm 2022 là 3,7 tỷ đồng, chỉ tương đương số thu tại khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỷ đồng), thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu, di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5,8 tỷ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20,1 tỷ đồng).
Tại các di tích có nhà sư trụ trì, đa số di tích có báo cáo thu, chi nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức. Trong khi trên thực tế có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản hoặc bằng hiện vật, thường có giá trị cao hơn nhiều so với việc bỏ vào hòm công đức.
Báo cáo dẫn ví dụ tại khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử, theo số liệu do Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cung cấp, từ năm 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu tiền trong hòm công đức 287 tỷ đồng, tổng chi khoảng 638 tỷ đồng.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV khẳng định tiền công đức có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 54.000 di tích, trong đó có 123 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh và trên 40.000 di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng tại các di tích trên.
Thực tế cho thấy, nhiều di sản văn hoá, điển hình là các công trình xây dựng, địa điểm gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc được bảo tồn, phát huy, nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của địa phương được tôn vinh, kế thừa.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí của Nhà nước có hạn nên không thể chăm lo hết cho các di tích. Trong khi đó, lại có rất nhiều người dân có nguyện vọng đóng góp, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Chính nguồn tiền công đức thời gian qua đã giúp rất nhiều di tích được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Bằng chứng là sự hồi sinh, phát triển của rất nhiều đình, đền, chùa và các cơ sở thờ tự khác. Bên cạnh đó, nguồn thu này còn được sử dụng cho các hoạt động cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cũng phải thừa nhận rằng, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vấn đề liên quan đến việc thu, chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội. Chính vì vậy, đã dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột thậm chí là tranh chấp ở các địa phương, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và tổ chức lễ hội.
Hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ được triển khai đa dạng, cùng với việc tiếp nhận tiền mặt, tại nhiều di tích thực hiện tiếp nhận tiền công đức theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Hoạt động giám sát tiếp nhận, kiểm đếm, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích về cơ bản thực hiện dựa trên cơ sở ý thức tự giác, tự kiểm của mỗi người, từng tổ chức liên quan, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
Sau kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức, cùng với các kiến nghị đối với tỉnh Quảng Ninh, để tổng hợp và đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này, Bộ Tài chính cho rằng, việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên toàn quốc là thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, nhằm đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của luật Di sản văn hóa. Nội dung kiểm tra gồm việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa. Thời kỳ kiểm tra là năm 2022 và 2023. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh và gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính trong quý I/2024.
Trong bối cảnh các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa đang rất cần kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị và tổ chức các hoạt động lễ hội thì tiền công đức, tài trợ là nguồn tài chính rất quan trọng. PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, chỉ khi công khai, minh bạch trong quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử, văn hóa, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo mới có được niềm tin từ người dân. Từ đó, góp phần củng cố những giá trị đạo đức xã hội, giúp cho hoạt động công đức trở nên ý nghĩa và hiệu quả hơn. Quan trọng hơn cả, đây cũng là điều kiện để các di tích, cơ sở tôn giáo ngày càng phát triển hơn.