Mở cửa bãi rác cho dân vào giám sát
Sáng 11/6, HĐND TPHCM tổ chức kỳ họp thứ 4 (kỳ họp bất thường) về chuyên đề Bảo vệ môi trường đô thị - Khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP.
Tại đây, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu 4 chủ đầu tư khu xử lý rác của TPHCM phải mở cửa định kỳ cho người dân vào giám sát tình hình.
Ông Lê Văn Khoa cho biết, trong tháng 7, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo chủ đầu tư bốn bãi rác gồm Đa Phước, Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa và Phước Hiệp mở cửa định kỳ cho người dân địa phương vào tham quan công nghệ và giám sát tình hình môi trường.
“Không những người dân mà các tổ chức đoàn thể phải thường xuyên tham quan để nâng cao tính giám sát công nghệ xử lý ở các nhà máy này, bảo đảm sự tin tưởng của người dân trong vấn đề môi trường”- ông Khoa khẳng định.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TPHCM đang tham quan chiếc xe thu gom rác công nghệ mới. |
Chất lượng môi trường không khí và tiếng ồn đang bị tác động bởi các nguồn như: Nguồn ô nhiễm do giao thông với 7.976.845 phương tiện gồm ôtô, mô tô, xe gắn máy đăng ký lưu hành; nguồn ô nhiễm do khí thải công nghiệp, chủ yếu từ các lò hơi đốt dầu, từ than, củi, trấu...
Một số đại biểu cũng nêu ra một số vướng mắc còn tồn tại như ý thức người dân trong việc gìn giữ vê sinh môi trường còn chưa cao, quản lý thu gom, xử lý rác còn chồng chéo, việc phân loại rác dù đã tổ chức được một thời gian dài nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, các bãi tập trung rác còn gây ô nhiễm…
Theo kết quả khảo sát gần đây của các đại biểu HĐND TPHCM, tình hình ô nhiễm vẫn đang diễn biến theo hướng đáng lo ngại. Nước mặt, nước ngầm, tiếng ồn, không khí, bùn thải… chưa được xử lý đạt yêu cầu. Mức độ ô nhiễm tại nhiều nơi vẫn vượt chuẩn cho phép. Nhiều khu vực ô nhiễm đã gây ảnh hưởng cho khu dân cư...
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để tăng hiệu quả của việc thu gom rác, xử lý rác thải, thành phố đã các giải pháp như: quy hoạch xây dựng các trạm thu gom rác tập trung, vận động các đơn vị thu gom rác dân lập vào hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp để có những hỗ trợ về việc thay đổi các công cụ thu gom rác hiện đại hơn, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân….
Ông Thắng cho biết, hiện nay người dân chỉ mới trả tiền thu gom rác với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/hộ/tháng. Mức phí này được tính theo Quyết định 88 của UBND TP năm 2008 về phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều đơn vị gom rác lấy phí cao hơn quy định.
Do đó, Sở TN và MT cũng đã nhiều lần xây dựng dự thảo điều chỉnh tăng mức thu phí rác lên cho phù hợp với thực tế cũng như phù hợp với việc “tính đúng, tính đủ” theo các quy định liên quan. Theo dự kiến, mức thu sẽ được tăng dần theo từng năm như 2018, mức thu sẽ là 50.000 đồng/tháng/hộ và tăng dần cho đến năm 2020 trở đi. Tiền rác hằng tháng người dân phải trả dự kiến là 100.000 đồng/tháng/hộ.
Bà Nguyễn Thi Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM khẳng định, vừa qua, công tác quản lý thu gom rác, bảo vệ môi trường có mặt chưa làm tốt, vì vậy trong thời gian tới cần đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ môi trường. Trong các biện pháp xử lý, còn thiếu tính đồng bộ thì cần khắc phục ngay, đặc biệt cần quan tâm phân cấp mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả của nhiệm vụ chung là bảo vệ môi trường.
Tiếp tục tập trung tuyên truyền dưới mọi hình thức, huy động các đơn vị đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân. Khi phát hiện các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường cần tăng mức xử phạt hành chính để có sức răn đe. Qua đó, sẽ huy động được sức mạnh của người dân vào việc cùng thành phố phấn đấu xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp hơn.
Tại kỳ họp lãnh đạo TPHCM kiến nghị tăng mức thu tiền rác theo lộ trình để đảm bảo cho mức thu đủ bù đắp chi phí xử lý rác. Về việc quản lý chồng chéo hiện nay, TP sẽ phân cấp việc thu gom rác đưa về các quận huyện để phân rõ trách nhiệm cũng như đảm bảo chất lượng vệ sinh tại địa phương./.