Một huyện ở Sóc Trăng có hơn 50% đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn NTM
VOV.VN - Tỉnh Sóc Trăng hôm nay 31/12 tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống, với tỷ lệ dân tộc Khmer chiếm gần 48%, dân tộc Kinh chiếm 49% và dân tộc Hoa chiếm 3%.
Thời gian qua, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện đã chuyển dần sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhỏ lẻ trước đây sang mở rộng quy mô và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, sản xuất hàng hóa sạch, an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Qua đó, đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả như: Các mô hình sản xuất sạch (trồng dưa lưới thuỷ canh, trồng táo, trồng rau trong nhà lưới,…); Các mô hình chăn nuôi trang trại theo công nghệ khép kín..., giúp tăng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp lên 152 triệu đồng năm 2023; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 61 triệu đồng.
Ông Huỳnh Sa Vết, ở ấp Trà Canh B, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành cho biết: “Bây giờ đối với làm nông nghiệp rất là tiến bộ so với hơn 10 năm trước. Nông dân mình đã cơ giới hoá hết rồi. Bà con còn sử dụng máy bay phun xịt thuốc, bón phân rất là hiệu quả. Cơ giới hoá hoàn toàn trong sản xuất, mình áp dụng vô thì năng suất được tăng lên, giảm chi phí sản xuất.
Theo ông Trương Quốc Điền, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, khi mới bắt đầu xây dựng nông thôn mới từ năm 2010, tất cả các xã của huyện đều là địa phương đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 36%; bình quân tiêu chí nông thôn mới các xã chỉ đạt 4,5 tiêu chí; cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; sinh kế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 29 triệu đồng/người/năm.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự quyết tâm, nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện; các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Châu Thành đến nay đã đạt được kết quả khá toàn diện. Cụ thể cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (từ 43% năm 2010 đến nay đã đạt 62%), Hệ thống giao thông, thuỷ lợi, mạng lưới trường lớp học được đầu tư khá hoàn thiện. Đến nay 100% trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao cho người dân; tình hình an ninh trật tự cơ bản được đảm bảo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm chỉ còn 3%. Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung đã lan tỏa mạnh mẽ.
Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, ông Dương Văn Ty, ở xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành chia sẻ: Nông thôn đổi thay rất nhiều, nhất cầu đường lộ nông thôn đã xây dựng khang trang hết rồi, rất thuận tiện cho người dân đi lại, buôn bán, giao thương hàng hoá, con cháu đi học hành cũng thuận tiện. Trạm y tế thì chăm sóc sức khoẻ bà con mình rất là tốt, bà con mình không phải đi xa chăm sóc khỏe nữa.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, tiếp nối tinh thần thi đua sôi nổi qua 10 năm xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011 - 2020), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đến năm 2025, hoàn thành sớm một năm so với lộ trình đề ra; có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 05 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm, thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, huyện Cù Lao Dung và huyện Châu Thành.
Ông Nam nhấn mạnh, với huyện Châu Thành được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đã giúp tỉnh Sóc Trăng chính thức đạt 100% chỉ tiêu Trung ương giao về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, sớm hơn một năm so với kế hoạch./.