Một tháng "vật lộn" và chiến thắng Covid-19 của hai vợ chồng nghệ sỹ
VOV.VN - Cả hai vợ chồng nghệ sỹ Lê Mạnh Hùng và Phương Hoa, hiện đang sống và làm việc tại Đức, đều nhiễm virus Sars-Cov-2. Họ tự dưỡng bệnh và cách ly ở nhà.
Lạc quan, không hoang mang...
Lạc quan, động viên nhau, sinh hoạt lành mạnh, tuân thủ chỉ dẫn của bác sỹ…cuối cùng họ đã chiến thắng Covid-19.
Trực tiếp chăm sóc vợ ốm từ những ngày đầu tháng Tư, liên tục làm test Covid-19 cho cả hai chỉ thấy kết quả âm tính, tôi yên tâm không hề cách ly với vợ.
Có hẹn tiêm chủng vaccine Oxford, AstraZeneca vào chiều 14/04, sáng hôm đó tôi còn cố ra trụ sở Quận Mitte, Berlin làm test nhanh lần nữa, thấy chắc chắn âm tính rồi mới đi tiêm.
Vậy mà hôm sau 15/4, đưa vợ vào bệnh viện xét nghiệm ra dương tính, ngày kế tiếp tôi đi xét nghiệm cũng dương tính nốt.
Tôi đã bị lây từ vợ? Đã lớn tuổi, thuộc về những người có tính cẩn thận, tuân thủ khá nghiêm ngặt các quy định cách ly xã hội, chúng tôi bị bất ngờ, không thể hiểu được mình đã bị lây nhiễm theo ngả nào. Trong khi vợ tôi bị Covid-19 hành hạ khá nặng, may mắn sao tôi lại có rất ít triệu chứng.
Vào thời điểm này vài năm gần đây tôi thường bị dị ứng phấn hoa, vì thế khi thấy hơi ngứa cổ, húng hắng ho, ra chút đờm và hơi râm ran nơi cổ, lan dần xuống ngực, đôi khi thấy ớn lạnh tôi cứ phân vân hoài: Tôi bị phản vệ vaccine, triệu chứng của Covid-19 hay dị ứng phấn hoa đây? Các bác sĩ Đức cũng cảnh báo trước cho tôi về sự oái oăm này.
Tuân thủ quy trình và tập luyện đều đặn
Những ngày tiếp theo nhìn chung tôi vẫn thấy mình ổn, vừa cách ly, chăm sóc vợ, tôi vẫn chú trọng bồi bổ sức khỏe, tập thể dục đều đặn, sẵn sàng cao độ cho tình huống xấu, khi phải trực tiếp đương đầu với đỉnh điểm của bệnh.
Tôi thường xuyên đọc, cập nhật thêm thông tin về bệnh, bình tĩnh tham khảo ý kiến các bác sĩ và một số bạn bè có hiểu biết, bàn bạc với vợ con rồi đưa ra quyết định, khi nào thì nên đưa nhau vào bệnh viện nằm.
Một điều rõ ràng là bệnh viện khắp nơi đều đang bị áp lực rất lớn. Y học chưa hề có thuốc đặc trị Covid. Chúng tôi chỉ nên vào bệnh viện nằm (tất nhiên còn do các bác sĩ quyết định nữa) nếu gặp nguy kịch về đường thở, bị mất nước trầm trọng hay không tự kiểm soát được về tim, mạch, huyết áp...
Việc chăm sóc trong bệnh viện dù tốt đến mấy, song sự khác biệt về thói quen, văn hóa, khẩu vị, cộng thêm vấn đề tâm lý sẽ là một áp lực không nhỏ với mình.
Việc chăm sóc ở nhà khi tự tiên lượng thấy mình tự tin, có đủ hiểu biết và phương tiện có lẽ vẫn tốt hơn. Vả lại để dành thêm giường bệnh cho những người đang bị nặng hơn, cần được cấp cứu dường như đã trở thành nhận thức chung của cả xã hội Đức bây giờ.
Rồi tôi thấy có thêm triệu chứng đắng miệng, ăn gì cũng thấy vị đắng, kém ngon miệng, chỉ thích uống nước hoa quả tươi. Là người nghiện cà phê khá nặng, tôi bỗng nhiên bỏ uống cà phê từ lúc nào không hay, đưa ngụm cà phê vào miệng là thấy dội, chẳng còn ngon lành gì nữa, nghĩ đến cà phê thấy dửng dưng.
Tôi vẫn ăn uống bình thường, vẫn nhận biết được mùi vị, tuy kém ngon. Tôi vẫn duy trì mọi sinh hoạt, tập luyện như trước. Sự đắng miệng tới 8/5 tôi thấy vẫn còn, nhưng đã giảm đôi chút.
Hết thời hạn tự cách ly, theo quy định tôi đi xét nghiệm lại. Biết chắc chắn đã âm tính, hai chúng tôi mới tự cho phép mình ra ngoài nhưng vẫn luôn đeo khẩu trang và thực hiện khoảng cách xã hội nghiêm ngặt. Vợ tôi đã lao động dưới vườn, tôi đã đạp xe thử đi dạo mấy hôm nay thấy ổn, chưa thấy có di chứng đặc biệt gì.
Chúng tôi đã có may mắn? Đọc báo Đức và nước ngoài tôi thấy có thống kê nói rằng, cứ khoảng 5 người bị nhiễm Covid-19 thì có 1 người không có hoặc có triệu chứng thì cũng rất nhẹ.
Có ý kiến của các chuyên gia khác còn cho rằng nó phụ thuộc vào nhóm máu của người bệnh, hoặc người đó đã từng sử dụng nhiều loại thuốc chống lại bệnh hen, dị ứng phấn hoa chẳng hạn, những thuốc đó có thể cũng cản trở sự phát triển đối với virus Corona. Tôi nghĩ tất cả còn chưa rõ ràng.
Điều rõ ràng duy nhất tôi thấy là chúng tôi đã gặp may trong cái rủi, vợ tôi rất can đảm và tôi đã có may mắn, chúng tôi đã vượt qua căn bệnh quái ác của thế kỷ đang đe dọa cả loài người này./.