Mùa hoa phượng nở

Cứ mỗi độ hè về, bài hát “Mùa hoa phượng nở” của nhạc sĩ Hoàng Vân lại vang lên trên làn sóng phát thanh, gợi nhớ biết bao kỷ niệm tuổi học trò.

Nhạc sĩ Hoàng Vân kể về sự ra đời của bài hát: “… Đó là một buổi chiều mùa hè năm 1967. Khi ấy, giặc Mỹ đã leo thang chiến tranh ồ ạt ra miền Bắc. Chúng ném bom Hà Nội. Thủ đô những ngày này rất vắng vẻ, vì các tầng lớp nhân dân và nhiều cơ quan đã đi sơ tán để tránh sự oanh tạc của máy bay Mỹ, chỉ có một số ít ở lại trực chiến, bám trụ. Tôi cũng đi sơ tán cùng cơ quan. Không nhớ rõ lần ấy có việc gì mà cả hai cha con tôi lại về Hà Nội. Hôm đó là một ngày hiếm hoi không có còi báo động lần nào, nên buổi chiều tôi đèo con gái, thong thả đạp xe trên đường Thanh Niên (khi ấy gọi là đường Cổ Ngư). Bỗng con tôi nói: “Bố ơi! Mùa hè rồi bố nhỉ. Bố có nghe ve kêu râm ran và hoa phượng đang đỏ rực kia không?”.

Nghe bài hát Mùa hoa phượng nở

Nghe con nói, tôi mới thấy là một mùa hè lại đến, con tôi sắp được nghỉ hè. Và tôi còn thấy cả tiếng chim tu hú đang hối hả gọi bầy. Con tôi lại hỏi: “Chim gì kêu đấy bố?”. Tôi trả lời: “Đó là chim tu hú con ạ”. Nó lấy làm thú vị lắm vì lần đầu tiên được nghe nói đến cái tên loài chim rất lạ này. Rồi nó reo lên: “A! Hay quá bố nhỉ! Tu hú kêu, tu hú kêu”. Với tất cả những kỷ niệm về mùa hè gắn với tuổi thơ trong ký ức, trước niềm hân hoan của con tôi vì sắp được nghỉ hè, tôi quyết định viết một bài hát về mùa hè, lúc đầu chỉ có ý cho nó hát. Và từ cái tiếng reo của nó về loài chim lần đầu mới biết: A! Tu hú kêu! Tu hú kêu”, tôi bỗng bật ra chủ đề âm nhạc từ tiếng reo vui của con tôi: Tu hú kêu! Tu hú kêu! Hoa gạo đỏ, hoa phượng nở đầy ước mơ hy vọng…”.

“Mùa hoa phượng nở” đạt được tất cả những yêu cầu cần thiết đối với một bài hát dành cho thiếu nhi: ngắn gọn, súc tích, giai điệu hay, hấp dẫn nhưng phải dễ hát, không có những đường nét rắc rối phức tạp, âm vực toàn bài không mở rộng để phù hợp với cữ giọng các em. Đặc biệt là lời ca phải thật hồn nhiên, của tuổi măng non, chứ không thể từ suy nghĩ của người lớn mà áp đặt.

Điều lý thú ở bài hát này là từ đầu đến cuối, tác giả chỉ duy trì một âm hình tiết tấu với những tiết nhạc rất ngắn trong thể một đoạn với 4 câu nhạc nhưng lại không hề gây cho người nghe cảm giác nghèo nàn đơn điệu (monotone), mà ngược lại rất thú vị, tạo ấn tượng phong phú độc đáo. Thư pháp nhắc lại và mô phỏng được triệt để vận dụng trong việc phát triển chủ đề âm nhạc.

Là một nhạc sĩ tài năng, Hoàng Vân rất “cao tay” trong việc tạo nên những ấn tượng đặc biệt từ một giai điệu tưởng như rất bình dị, chẳng có gì lạ lẫm. ấy là việc ông biết “làm duyên” đúng lúc, biết tô điểm một chỗ nào đó của giai điệu khiến nó long lanh, “phát sáng” trong bài này chính là ở hai chỗ: Ngay trong câu nhạc đầu tiên, hai tiếng “đỏ” và “nở” được hát luyến bằng một quãng 4 đi lên (sòn - đô) gây cảm giác bồi hồi, xao xuyến và 2 nốt “si” trong bài đều được giáng (trong điệu đô trưởng) tạo ấn tượng độc đáo, là lạ.

Hoàng Vân sáng tác cho thiếu nhi không nhiều. Nhưng bài nào của ông cũng đặc sắc, được tuổi thơ rất ưa thích, như “Em yêu trường em”, “Con chim vành khuyên”, “Ca ngợi Tổ quốc”, “Mùa hoa phượng nở”. Không chỉ các em học sinh, mà cả người lớn khi nghe những bài hát này đều thấy bồi hồi xao xuyến nhớ lại kỉ niệm đẹp của một thời “hoa đỏ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên