Muôn kiểu ứng xử với... ùn tắc giao thông
VOV.VN -Tắc đường, kẹt xe, câu chuyện không mới và dường như người dân Thủ đô vẫn bất đắc dĩ phải làm quen, ứng phó với tình cảnh này bằng nhiều giải pháp “sáng tạo”.
Đi từ đường Trần Phú, quận Hà Đông hay từ Xuân Thủy, quận Cầu Giấy đến trung tâm TP. Hà Nội trong những ngày qua thường mất từ 2 đến 3 giờ đồng hồ. Có người ví rằng, thời gian ấy, bằng họ đi từ quê lên Hà Nội.
Đó chính là câu chuyện tắc đường, tắc đến không lối thoát, tắc đến mức, người dân đã để xe ở đó để chạy đi mua đồ ăn sáng, ăn sáng tại chỗ tắc. Tắc đến nỗi, từ những người xa lạ, họ đã làm quen và xả bức xúc của mình qua những câu chuyện phiếm như báo chí đã đưa trong những ngày qua. Vậy đâu là nguyên nhân chính?
Muôn kiểu "đợi chờ trong tắc đường" của người dân |
17 công trình lớn đang thi công; 21 điểm bị rào chắn thi công; 23 điểm thường xuyên úng ngập khi xuất hiện mưa to cục bộ là nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông rất dễ nhìn thấy vào giờ cao điểm. Đặc biệt, các điểm giao cắt tại các ngã tư ở tuyến đường Nguyễn Trãi thuộc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy đang thi công dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, ùn tắc rất dễ xảy ra.
Còn theo trung tá Hà Văn Thanh, Đội phó Đội cảnh sát giao thông số 7, TP. Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng là do là sinh viên, học sinh đến trường cùng giờ với công chức đến nhiệm sở, cộng với lượng phương tiện cá nhân ngày càng tăng, đặc biệt những hôm thời tiết xấu nên tạo ra áp lực lớn lên hệ thống giao thông.
Trong tình cảnh đó, cũng có muôn kiểu ứng phó với tắc đường của người tham gia giao thông. Có người chọn cách đi sớm hơn giờ cao điểm. Chị Nguyễn Thu Lan ở Mỹ Đình, quận Cầu Giấy và chị Lê Thu Hằng ở phố Phùng Khoang, quận Hà Đông cho biết, họ thường xuyên phải ra khỏi nhà sớm hơn để tránh giờ cao điểm.
Có người lại chọn giải pháp đi muộn hơn và chuyển trường học cho con như chị Hà Loan ở quận Thanh Xuân: “Đáng lẽ tôi gửi con ở trường công, nhưng nếu vậy phải đưa con đi từ 7h - 7h30, đây cũng là khung giờ tắc đường nên tôi cho con học trường tư, gửi con lúc 8h30, đi đường đỡ đông mà con cũng không phải chịu cảnh ngồi trên đoạn đường với rất nhiều xe cộ”.
Ứng phó với tắc đường theo kiểu… vi phạm luật lệ giao thông cũng là cách nhiều người đang thực hiện. Chị Nguyễn Thị Huyền Anh ở đường Nguyễn Khang cho biết: “Tắc như thế thì mình phải đi lên vỉa hè thôi, bởi lòng đường ô tô chiếm hết rồi, chẳng còn chỗ nào đi cả, mà đứng đợi thì muộn làm. Không phải riêng mình chọn giải pháp như vậy”.
Có thể thấy, chưa lúc nào người dân tham gia giao thông ở Hà Nội lại có nhiều cách “sáng tạo”, ứng phó với tình trạng tắc đường như vậy, bất chấp cả những giải pháp vi phạm Luật Giao thông.
Trước yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội về việc tháo dỡ các “lô cốt” gây ách tắc giao thông trên một số tuyến đường của Thủ đô, sáng 14/9, tại những điểm trọng yếu thuộc các điểm thi công các công trình giao thông trên một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Cầu Giấy…, công nhân thuộc các dự án đã khẩn trương tháo dỡ các lô cốt nhằm trả lại mặt đường cho người dân lưu thông, giảm ùn tắc giao thông trong những giờ cao điểm./.
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng khiến người dân phải sáng tạo mọi cách ứng phó, kể cả vi phạm Luật Giao thông, theo tôi sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết, nó sẽ hình thành nên thói đi lại tự do, đi lung tung, không có luật lệ khiến tình trạng tắc đường sẽ càng rối như mớ bòng bong không có lối thoát.
Thứ hai, nó tạo ra tâm lý bức xúc, bực bội khi tham gia giao thông, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn như người ta có thể đâm chém nhau chỉ vì va chạm giao thông nhỏ.
Theo tôi, trong tình cảnh ùn tắc nghiêm trọng tại một số tuyến đường hiện nay, người dân cần hết sức bình tĩnh và phải có ý kiến, đề nghị các cơ quan hữu quan giải quyết. Cần có sự phối hợp giữa 2 bên: bên xây dựng hạ tầng giao thông đô thị phải hoàn thành đúng thời hạn các công trình giao thông; còn người dân phải có tinh thần phản biện chứ không phải tuyệt vọng rồi có hành động thô bạo...”.
Nhà báo Bùi Hùng/Cơ quan Thường trú Đài TNVN tại Nhật Bản: “Ở Nhật Bản có hệ thống giao thông rất tuyệt vời nhưng tình trạng tắc đường vẫn xảy ra thường xuyên trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, ùn tắc đến mức không thể di chuyển được trong thời gian dài thì hiếm xảy ra.
Kinh nghiệm giải quyết ùn tắc giao thông mà nước Nhật áp dụng là: tính thời gian thích hợp nhất từ lúc đèn xanh tới khi đèn đỏ cho hệ thống đèn tín hiệu, thường là 1 phút (nút nhiều điểm giao nhau thì tính thời gian nhiều hơn); lắp đặt đường ngang hợp lý, loại bỏ đường ngang bất hợp lý; xây dựng cầu trên cao tại các điểm giao thông có lưu lượng giao thông lớn; không xây dựng tuyến đường có quá nhiều làn xe; trong tình trạng thời tiết xấu, sẽ mở các điểm đỗ xe miễn phí.
Tuy nhiên, điểm quan trọng là ý thức của người tham gia giao thông. Ở Nhật Bản, bắt buộc mọi người dân phải thuộc Luật Giao thông; người vi phạm Luật Giao thông bị phạt rất nặng từ vài nghìn đến vài chục nghìn đô la, hoặc cấm vĩnh viễn lái xe...”.