Muốn lái tàu hỏa, nữ phải có “vòng 1” trên 75 cm?
VOV.VN - Dự thảo lần 1 của Bộ Y tế quy định nhân viên đường sắt là nam phải khám cơ quan sinh dục, nữ phải có vòng ngực trên 75 cm gây nhiều tranh cãi.
Mới đây, trong Dự thảo lần 1 của Bộ Y tế chủ trì xây dựng về khám sức khỏe lái tàu quy định nhân viên đường sắt quy định về nhân viên đường sắt là nam phải khám sinh dục, còn nữ gác chắn tàu phải có "vòng 1" trên 75cm. Dự thảo này hiện nay gây rất nhiều tranh cãi.
Theo dự thảo, nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu (đường sắt quốc gia, đô thị, chuyên dùng) gồm 3 nhóm: lái tàu, phụ tàu; trưởng tàu, trưởng dồn, trực ban chạy tàu ga, điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga, gác ghi, ghép nối đầu máy, toa xe; nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm; gác đường ngang, cầu chung.
Ứng viên lái tàu là nam phải khám cơ quan sinh dục |
Các tiêu chuẩn về thể lực gồm: chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, lực bóp tay thuận, lực bóp tay không thuận, lực kéo thân…
Ví dụ, với vị trí lái tàu, phụ lái tàu, tiêu chuẩn của nam giới là cao từ 1,64 m trở lên, cân nặng từ 52 kg, vòng ngực trung bình từ 80 cm, lực bóp tay thuận từ 37 kg...
Nữ giới là trưởng tàu, trực ban chạy tàu, nhân viên gác ghi, điều độ chạy tàu phải cao từ 1,53, cân nặng 45kg, vòng ngực trung bình từ 75cm trở lên. Nam, nữ nhân viên tuần đường, gác chắn cũng phải đạt các chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực.
Chưa dừng lại ở đó, các vấn đề khác cần khám như mắt, tai mũi họng, tim, phổi, máu, răng hàm mặt, hệt tiêu hóa…. và hệ tiết niệu – sinh dục cũng được đặt ra. Cụ thể, nếu nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... sẽ không đủ điều kiện cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu.
Còn với nữ giới, ứng viên sẽ không đủ tiêu chuẩn cho vị trí lái tàu, phụ lái tàu nếu mắc các bệnh sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng với các cơ quan bên cạnh điều trị không kết quả, rong kinh, băng kinh, đa kinh, mổ lấy thai, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ...
Với các nội dung dự thảo đang gây tranh cãi, ông Lê Lương Đống, Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lý giải việc sàng lọc tiêu chuẩn người lái tàu chặt chẽ là rất cần thiết. Bởi vì không giống như nghề lái xe, nghề lái tàu nếu có bệnh không thể tự nhiên dừng lại để vào trạm xá hay bệnh viện chữa được.
Còn đối với chỉ số về vòng ngực, quy định vòng ngực trung bình từ 75 cm trở lên mới được lái tàu, tiêu chí vòng ngực chỉ là một trong nhiều chỉ số sinh học được đưa ra để đảm bảo sức khỏe của người lái tàu.
Trước đó, Bộ Y tế cũng từng công bố dự thảo quy định về tiêu chuẩn sức khỏe với người lái xe trong đó người có chiều cao cân nặng thấp, vòng ngực "lép"… không được lái xe cũng gây ra nhiều tranh cãi. Sau đó quy định này đã được bãi bỏ.
Dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu này đang được Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Quy định này (trong trường hợp thông tư được ban hành) cũng không áp dụng đối với những người đã được tuyển dụng trước ngày thông tư có hiệu lực./.
Nghề lái tàu: Chỉ ai vào buồng lái mới thấu hiểu