Tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII

Nậm Cang giàu lên nhờ thảo quả

Nậm Cang là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng nhất của khu vực miền núi Tây Bắc, có tới 150/248 hộ đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 gấp 12 lần so với năm 2000.

Tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc sắp tới, xã Nậm Cang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai sẽ vinh dự được chọn là một đơn vị báo cáo điển hình về phát triển kinh tế. Xã đang là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng nhất của khu vực miền núi Tây Bắc, bởi trong số 248 hộ thì có tới gần 150 hộ đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 gấp 12 lần so với năm 2000.

Thuê một chiếc Minks, loại xe máy rất thích hợp với địa hình Tây Bắc, mất hơn 1 giờ để đi từ thị trấn Sapa, qua Lao Trải, Tả Van, Thanh Phú vào Nậm Cang, tôi tìm đến nhà ông Tẩn Sành Quẩy ở thôn Nậm Cang 1. Ngôi nhà khang trang với vách bằng gỗ pơmu được gia chủ chau chuốt thật kỹ, từng nan gỗ toả hương thơm ngát. Khi tôi hỏi về thảo quả, ông Quẩy hồi hởi: "Chăm sóc cây thảo quả dễ lắm, mỗi năm chỉ làm cỏ hai lần và chờ đến mùa hái quả. Quan trọng là phải giữ được rừng vì cây thảo quả sống dưới tán rừng già”. Ông Quẩy chỉ cho tôi kho lưu trữ thảo quả khô và nói vui: “tiền bạc của tôi là đấy”. Năm ngoái gia đình ông Quẩy thu hoạch gần 6 tấn thảo quả, bán được 500 triệu đồng. Năm nay ông Quẩy cũng đạt xấp xỉ con số đó.

Gần nhà ông Quẩy là gia đình ông Tẩn Dần Chiêu. Rót chén trà mời khách, ông Chiêu khoe với tôi chiếc ô tô vừa mua với giá hơn 400 triệu đồng và cả những vật dụng đắt tiền khác được bày trong nhà. Những thứ đó đều được mua từ tiền bán thảo quả. Tuy đã có của ăn của để, nhưng ông Chiêu vẫn nhớ những ngày cơ cực của ông và người Dao Nậm Cang vì chỉ cách đây vài năm, khi người dân chỉ biết phá rừng làm nương, rẫy mà chưa biết trồng thảo quả. Bây giờ ông Chiêu và mọi người trong xã rất yên tâm về cuộc sống của mình ở đây và phấn khởi vì có nguồn thu nhập cao và ổn định.     

Cảm nhận về cuộc sống hôm nay, bà Tẩn Tả Mẩy, dân tộc Dao thôn Nậm Cang 2  khẳng định: thôn bản bây giờ khác trước nhiều. Xã đã có trạm y tế, có trường học cho trẻ, có điện thắp sáng, có đường ô tô về tận thôn, tận nhà. Bà Mẩy còn thích nhất khi gần nhà mình là chợ xã mà cái gì cũng có, không phải đi xa mấy chục cây số để mua sắm như trước “Có được như thế này chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm” – bà Mẩy nói.

Bác Vù A Dế, dân tộc Mông thôn Nậm Cang 2 cũng cùng chung cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Bác A Dế tâm sự: Trước đây khi chưa có giống cây mới thì người dân Nậm Cang khó khăn lắm. Từ khi được Đảng, Nhà nước khuyến khích trồng cây thảo quả, bây giờ người dân trong thôn nhà nào cũng đủ ăn đủ mặc, có của ăn của để. Có cuộc sống như ngày hôm nay, tôi rất phấn khởi và yên tâm tăng gia sản xuất”.

Rời các hộ gia đình, tôi đến trụ sở UBND xã Nậm Cang. Ông Vù A Long, dân tộc Mông, Chủ tịch UBND xã cung cấp thêm cho tôi nhiều con số ấn tượng khác: Nậm Cang có khoảng 5.000 ha rừng, trong đó rừng già có trồng thảo quả trên 600 ha. Rừng Nậm Cang hoà cùng đại ngàn Hoàng Liên xanh ngút ngàn giữ ẩm cho đất, là nơi lý tưởng để thảo quả phát triển. Từ khi xã khuyến khích bà con trồng thảo quả, rừng Nậm Cang đã được giữ gìn, bà con bỏ hẳn tập quán phát nương trồng ngô để chuyển sang trồng thảo quả dưới tán rừng.

Ông A Long cũng khẳng định, từ khi xã trồng thảo quả đại trà đã chấm dứt tình trạng phá rừng, cháy rừng. Bà con vừa trồng thảo quả, trồng rừng vừa khoanh nuôi bảo vệ rừng. Đến nay độ che phủ của rừng ở Nậm Cang đã đạt 70% diện tích toàn xã.

Riêng vụ thảo quả năm nay, bà con đã thu hoạch tổng sản lượng trên 110 tấn, ước nguồn thu khoảng 20 tỷ đồng. Kinh tế được cải thiện, các mặt văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng cũng được củng cố vững chắc. Xã Nậm Cang hiện không còn hộ nghèo, không có người nghiện ma tuý. Cả trường tiểu học và trung học cơ sở của xã đều đạt chuẩn quốc gia. Các giá trị văn hoá tốt đẹp được nhân lên.

Bằng tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, Nậm Cang thực sự là địa phương dẫn đầu của tỉnh Lào Cai trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Với những thành tích đã đạt được, xã Nậm Cang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong đại hội thi đua yêu nước toàn quốc sắp tới, xã Nậm Cang lại vinh dự được chọn là địa phương sẽ báo cáo tham luận trước Đại hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên