Nâng chuẩn để trường đại học củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục
VOV.VN - Sáng nay (1/8), tại Thái Nguyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức toạ đàm góp ý về dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học với sự tham dự của nhiều chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học ở khu vực phía Bắc.
Dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến ngày 28/7, gồm 6 tiêu chuẩn, 24 tiêu chí...
Tại toạ đàm, ý kiến góp của các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học tập trung vào các tiêu chí như: điều kiện học tập (bao gồm diện tích đất, cơ sở vật chất, cơ sở thí nghiệm, thực hành), tài chính, nghiên cứu đổi mới sáng tạo…
Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng tình với việc cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để các trường đại học phải đáp ứng, nhưng cần quy định rõ hơn về các điều kiện học tập cho các nhóm ngành học đặc thù.
"Chúng ta chỉ quy định mét vuông cho cái điều kiện học tập, nhưng tuy nhiên với các ngành đặc thù - khoa học thực nghiệm, đặc biệt ví dụ khối ngành nông lâm, ngư, thủy và một số ngành đó chúng ta nên quy định thêm diện tích để đảm bảo thực, hành tập. Nếu không thì khó đảm bảo được chất lượng", ông Cường nói.
Một số ý kiến cũng đề xuất cần làm rõ các vấn đề về chiến lược phát triển các trường đại học, tiêu chuẩn giảng viên có trình độ tiến sỹ, cách hoán đổi diện tích đất đai và diện tích đất xây dựng…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn ghi nhận các ý kiến góp ý, thảo luận của các đại biểu, đồng thời khẳng định, việc xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học mục đích là để thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.
Trong đó đưa ra những yêu cầu tối thiểu về các điều kiện đảm bảo chất lượng mà tất cả các cơ sở giáo dục đại học cần phải đáp ứng, nhằm giảm thiểu rủi ro với các bên liên quan, với nhà đầu tư gồm: Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là người học.
"Việc xây dựng chuẩn này mục tiêu chung là tập trung vào từng bước củng cố và để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Chúng ta muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học thì phải tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng. Như vậy, việc đầu tiên phải đưa ra những yêu cầu tối thiểu về diện tích, về đất đai, về các cơ sở vật chất khác, hệ thống thông tin, học liệu. Khi đó cùng với việc quy hoạch, thực hiện quy hoạch thì sẽ phải có đầu tư để tăng cường những điều kiện bảo đảm chất lượng này và khi đó giúp nâng cao chất lượng", ông Sơn cho biết.