Nâng mức đóng BHYT, mức hưởng tăng đến đâu?
VOV.VN - Trước đề xuất của Bộ Y tế về việc cần có lộ trình nâng dần mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng điều này cần tiến hành song song với mở rộng quyền lợi hưởng BHYT, đặc biệt trong bối cảnh chi phí khám, chữa bệnh đang ngày càng tăng cao.
Mặc dù có bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng nhiều người chia sẻ rằng, rất ít khi họ sử dụng khi đi khám bệnh vì thủ tục phiền hà và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng tốt. Họ đồng tình với lộ trình nâng dần mức đóng bảo hiểm y tế nhưng cần bổ sung, nâng mức hưởng khám chữa bệnh BHYT:
"Tất nhiên có nhiều khoản mà BHYT hiện nay đang phải bù lỗ nên tôi đồng tình chủ trương tăng mức đóng BHYT nhưng mức đóng bảo hiểm khác nhau thì quyền lợi phải khác nhau, chứ có BHYT mà không được chi trả nhiều thì người dân cũng lo lắng".
"Cùng mức tăng đóng BHYT phải đảm bảo quyền lợi cho người dân điều trị tại bệnh viện, danh mục thuốc được hưởng BHYT cũng phải cao lên rồi thời gian nằm viện cũng được hỗ trợ để người dân cảm thấy xứng đáng"
"Tôi cũng mong Bộ Y tế sớm có chính sách điều chỉnh, mở rộng đối tượng, dịch vụ y tế, vật tư y tế được BHYT chi trả cho người có BHYT để tăng thu hút toàn bộ người dân tham gia BHYT".
Theo Bộ Y tế, hiện quy định mức đóng bảo hiểm y tế chưa cân đối với mức hưởng và phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế nên Bộ đề xuất ba phương án nâng dần mức đóng để đạt tối đa 6% tiền lương cơ sở hoặc lương tháng vào năm 2035.
Theo bà Nguyễn Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng, vừa tăng mức đóng vừa thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân thì cần tính tới việc mở rộng quyền lợi được BHYT thanh toán mới có thể thu hút người dân tham gia:
"Để gia tăng người dân sử dụng BHYT trong khám chữa bệnh cũng như dự phòng bệnh thì cơ quan y tế và ngành bảo hiểm xã hội phải tăng mức chi trả, thanh toán BHYT cho người sử dụng để đảm bảo những người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa hay người lao động tự do có thể sử dụng BHYT để khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm các bệnh hiểm nghèo, mãn tính".
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thì cho rằng, để điều chỉnh mức đóng BHYT cần có đánh giá tác động với các nhóm đối tượng tham gia BHYT,
"Nếu chúng ta tăng BHYT cùng với việc mở rộng dịch vụ y tế, tăng cường chất lượng y tế thì đây là một tín hiệu tốt để cải cách BHYT, tuy nhiên cần có đánh giá tác động với các nhóm đối tượng khác nhau để từ đó chính sách phù hợp. Nhà nước tăng giá nhưng giữ được chất lượng và nhóm dịch vụ y tế cơ bản".
TS Trịnh Thị Tú Anh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường của Quốc hội đề nghị cần cân nhắc việc mở rộng phạm vi được hưởng quyền lợi BHYT trong mối tương quan với khả năng cân đối của Quỹ BHYT và đảm bảo tính xã hội, chia sẻ rủi ro của loại hình bảo hiểm này.
"Để khi tăng mức đóng thì quyền lợi của người tham gia cũng tăng theo thì cần phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, làm sao để người có thẻ BHYT được hưởng chất lượng dịch vụ y tế cao nhất với thái độ phục vụ tốt nhất. Tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bằng BHYT cần cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục khi thanh toán chi phí BHYT, tập trung làm tốt công tác quản lý chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng khám lâm sàng và thực hiện theo đúng các quy trình kỹ thuật trong khám chữa bệnh", TS Trịnh Thị Tú Anh nói.
Đồng tình với việc người tham gia BHYT cần được thụ hưởng chất lượng và dịch vụ y tế thuận lợi hơn, ông Phạm Văn Học, Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nhấn mạnh, cùng với việc luật hóa quy định theo hướng tăng tỉ lệ đóng BHYT thì cũng cần điều chỉnh các quy định về khám chữa bệnh cho phù hợp.
"Họ bỏ tiền ra mua bảo hiểm là có quyền lợi của họ rồi, chúng ta phải xây dựng được danh mục các mặt bệnh và chia theo cấp độ khác nhau, nên bỏ phân cấp theo quy định tuyến ở một số tuyến nhất định và tạo ra dòng chảy ra đa chiều, người bệnh ở tỉnh này có thể sang tỉnh kia, quyền lựa chọn thuộc về người bệnh chứ không thuộc về bệnh viện nữa và sẽ tạo thuận lợi hơn cho người bệnh".
Ngành bảo hiểm cũng từng nhận định, mức chi phí từ tiền túi của người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh hiện nay còn cao nên chưa thực sự hấp dẫn. Do đó, để người dân đồng tình tham gia và nâng mức đóng BHYT thì chắc chắn cần giảm chi trực tiếp từ tiền túi, xóa dần các rào cản trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Mặt khác, cần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu và kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn)... để thu hút và phát triển bền vững số người tham gia BHYT.
Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia BHYT. Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.