Nấu rượu phải được cấp phép, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi
VOV.VN - Quy định nấu rượu phải được cấp phép, cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi được nhiều người ủng hộ và cho là tiến bộ.
Ngày 1/11, Nghị định 105 của Chính phủ về kinh doanh rượu bắt đầu có hiệu lực, trong đó, vấn đề được nhiều người quan tâm là việc sản xuất, kinh doanh rượu phải được cấp phép và cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi.
Quy định này được nhiều người ủng hộ và cho là tiến bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện được hay không vẫn là điều mà không ít người hoài nghi.
Đa số cơ sở nấu rượu thủ công không phép |
Đây cũng được xem là bước chuẩn bị cho sự ra đời của Luật phòng chống tác hại của rượu bia, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2018.
Tuy nhiên, dư luận ủng hộ không có nghĩa là quy định vừa nêu sẽ được thực thi hiệu quả.
Theo Bộ Công thương, quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi không phải lần đầu tiên được đưa ra.
Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng quy định này sẽ vướng trong triển khai thực hiện vì từ trước đến nay vẫn phổ biến tình trạng người lớn bắt trẻ con đi mua rượu và cửa hàng vẫn bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi, chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định vừa nêu hoàn toàn có thể thực hiện được nếu có sự giám sát chặt chẽ và chế tài đủ mạnh.
Việc xác định trẻ dưới 16 tuổi không khó, còn với lứa tuổi từ 16 đến 18 có khó khăn hơn thì có thể yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân.
Sở Y tế Hà Nội kiểm tra kinh doanh rượu tại nhà hàng |
Nghị định 105 của Chính phủ cũng quy định: tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có giấy phép, tức là việc nấu rượu thủ công cũng phải được cấp phép. Với thực tế hiện nay thì quy định này là một thách thức vì cơ sở sản xuất rượu thủ công không phép đang rất phổ biến tại các xã, phường.
Riêng tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), trong số gần 900 hộ sản xuất, kinh doanh rượu được thống kê chỉ có 19 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh và 2 hộ được cấp giấy phép sản xuất.
Các sản phẩm rượu thủ công đều không được dán tem, ghi nhãn hàng hóa theo như quy định tại Nghị định 105. Nghị định này có hiệu lực từ 1/11, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử phạt thuộc về ai?
Ông Trương Đình Bắc, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Nghị định của Chính phủ được ban hành, các Bộ ngành và các cấp chính quyền phải vào cuộc. Về phía Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm của những sản phẩm rượu. Ở địa phương, cần phối hợp liên ngành để kiểm tra, phát hiện các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu. Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh cho các đơn vị lớn. Các Sở Công thương và các phòng chuyên môn ở huyện, quận cấp cho những đơn vị nhỏ hơn và bán lẻ. Rõ ràng là tại các cấp chính quyền địa phương, các tổ liên ngành có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc kinh doanh, từ đó có thể phát hiện được các vi phạm”.
Pháp luật ngày càng quy định chặt về các điều kiện liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu. Tuy nhiên, trước thực tế việc bán lẻ rượu gần như bị buông lỏng hiện nay, đòi hỏi các nhà làm luật phải đưa rượu vào danh mục các mặt hàng cần phải kiểm soát đặc biệt.
Cần quy định mỗi chai rượu phải có một mã số riêng, từ đó có thể quản lý từ khâu sản xuất, phân phối đến sử dụng một cách dễ dàng, góp phần giảm tác hại của rượu bia, nhất là hiện nay có tới 70% nam giới nước ta sử dụng rượu bia, trong đó 45% số người đang uống ở mức nguy hại./.
Dưới 18 tuổi sẽ không được mua rượu, cấm nấu rượu thủ công