Nghỉ hè, bố mẹ “bở hơi tai” xoay cách... quản con

VOV.VN - Gửi con về quê hay cho đi học các lớp năng khiếu…nhưng vẫn không giúp những người làm cha mẹ yên tâm.

Ngay khi năm học 2014-2015 vừa kết thúc, các học sinh trên toàn quốc bước vào kỳ nghỉ hè. Đây cũng là thời điểm các phụ huynh lại “méo mặt” xoay sở cách trông con, gửi trẻ. Có nhiều lựa chọn như cho về quê chơi, cho đi trung tâm học hè, đi du lịch... nhưng cách nào cũng có cái khó riêng.

Bố mẹ “rối như tơ vò…”

Trái với tâm lý vui mừng của trẻ khi được xả hơi sau 9 tháng học hành vất vả, những bậc phụ huynh lại loay hoay giải bài toán bố trí chăm và trông con trong hè. Con nghỉ, bố mẹ vẫn phải đi làm, quản lý các con an toàn đã khó, tặng con kỳ nghỉ hè vui chơi, giải trí thú vị và bổ ích lại càng khó hơn.

Chị Nguyễn Minh Huyền (ngõ 203, Kim Ngưu – Hà Nội) chia sẻ: “Con nghỉ hè làm đảo lộn sinh hoạt trong gia đình. Giáp ngày nghỉ hè của con, hai vợ chồng vẫn chưa thống nhất được việc nên cho con về quê gửi ông bà, hay giữ ở lại tự chăm sóc. Nhiều khi, muốn đưa con về quê, vì ông bà cũng nhớ cháu, nhưng bây giờ cho về quê thì lại sợ không quản được, không an toàn. Đơn cử như nạn chết đuối do tắm sông, ao, hồ, ngã do trèo cây…vì không phải lúc nào ông bà cũng kè kè bên cạnh. Mà các con thì con nhỏ, chưa biết tự bảo vệ mình trước nguy hiểm”.

Nghỉ hè, bạn đọc nhí đến thư viện ngày càng đông (Trong ảnh: Tại thư viện Hà Nội)

Cũng đồng cảnh với chị Huyền, chị Nguyễn Thị Mai (số 2, ngõ 132, Khương Trung – Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang “rối như tơ vò” tính việc chăm con trong kỳ nghỉ hè. Do hai vợ chồng đều đi làm, ông bà lại ở xa, sức khỏe yếu nên không thể gửi con được. Chị Mai đành tìm cách đăng ký cho con đến các lớp học năng khiếu và tham gia các hoạt động sinh hoạt hè của trường.

Thực tế, các lớp năng khiếu thường học khoảng 60-150 phút (tùy từng môn học và có học phí khác nhau), nên để gửi con trọn vẹn cả ngày thì chị Mai phải loay hoay tìm các lớp khác để cho con học gối giờ. Cách này, theo chị Mai, để bố mẹ yên tâm đi làm đến cuối ngày quay lại đón. Còn hôm nào học nửa buổi, hoặc con nghỉ học đột xuất, chị Mai đành nhờ hàng xóm hoặc bác xe ôm đầu ngõ đến đón con về và gửi con bên nhà hàng xóm. Còn ngày nghỉ học theo lịch thì sẽ theo bố, hoặc mẹ đến cơ quan... tá túc”.

Trường hợp gia đình chị Chu Hồng Diệp (ngách 78, ngõ 68, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng không ngoại lệ. Hai vợ chồng đều đi làm từ sáng đến tối. Con trai chuẩn bị vào lớp 2 đành phải gửi nhờ ông hàng xóm đưa đến lớp mầm non học. Vì học lại ở lớp mầm non dù không phù hợp về nhận thức, cũng như ăn uống, nhưng chị Diệp đành tặc lưỡi cho con đi. Nhiều khi thương con là thế, nhưng không thể bỏ việc ở nhà ôm con được.

Giải pháp nhiều nhưng không dễ chọn

Nhiều chuyên gia đã từng đưa ra nhiều lời khuyên để các bậc phụ huynh cải thiện chất lượng kỳ nghỉ hè cho con rằng: Không nên đánh mất ý nghĩa kỳ nghỉ hè. Phải để các em chơi cũng là học, mà học cũng là chơi dịp hè.

Nắm bắt được sự bí bách của phụ huynh, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện nhiều trung tâm phục vụ nhu cầu gửi con ngày hè. Một số trường tiểu học chất lượng cao, trung tâm Anh ngữ, trung tâm kỹ năng sống, trung tâm dạy năng khiếu đã thông báo các chương trình học tập, trải nghiệm hè cho lứa tuổi mầm non, tiểu học. Ngoài ra, hè 2015 cũng tiếp tục có nhiều chương trình trải nghiệm như Học kỳ quân đội, khóa tu tại các chùa... được mở ra để học sinh có thể tham gia. Tuy nhiên, thực tế, không dễ gì để các phụ huynh có thể theo được các lựa chọn phong phú đó. Ngoài yếu tố thời gian, mức phí cũng là vấn đề không nhỏ đối với với thu nhập của đa số phụ huynh.

Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh (nhà A2-D1, Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm- Hà Nội) cho biết, trước đây, khi con nghỉ hè, chị cũng loay hoay như bao ông bố, bà mẹ khác. Nhưng rồi, chị cùng một nhóm hàng xóm tự xây dựng phương án chăm con khá ổn cho mỗi kỳ nghỉ hè. Đó là, mỗi khi hè về, chị thường xin nghỉ ít hôm đầu cho con về thăm ông bà, chị cho đi học lớp năng khiếu nửa buổi, nửa buổi còn lại chị cùng một nhóm hàng xóm (khoảng 5-6 nhà) cắt cử mỗi người làm “bảo mẫu” một ngày/tuần.

Trong đó, nhiệm vụ của “bảo mẫu” sẽ lo đưa đón các con đi học hè, lo nấu nướng để đảm bảo dinh dưỡng cho các con. Do vậy, công việc của chị Quỳnh vẫn đảm bảo, mà con cái vẫn được vui chơi bổ ích mà an toàn. Cách này đã được chị thực hiện mấy kỳ nghỉ hè qua. 

Chị Quỳnh cho biết, lương của hai vợ chồng khoảng 8 triệu đồng/tháng. Nếu cho cả 2 con vào trung tâm học kỹ năng (học võ, học múa, học tiếng Anh, học đàn...) dịp hè, tối thiểu 1,8 triệu đồng/con/tháng sẽ thâm hụt chi tiêu hàng tháng của gia đình. Do vậy, cách làm của chị và nhóm bạn xem ra là một lựa chọn không ổn thỏa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống
Giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống

VOV.VN - Việc thiếu kỹ năng sống đã khiến một bộ phận giới trẻ hiện nay sống lệch lạc.

Giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống

Giới trẻ chưa thực sự quan tâm tới kỹ năng sống

VOV.VN - Việc thiếu kỹ năng sống đã khiến một bộ phận giới trẻ hiện nay sống lệch lạc.

Cho con học kỹ năng sống: Nên hay không?
Cho con học kỹ năng sống: Nên hay không?

VOV.VN -Sự nở rộ của các khóa học kỹ năng sống khiến phụ huynh như lạc vào một “mê hồn trận” không biết phải lựa chọn thế nào cho đúng.

Cho con học kỹ năng sống: Nên hay không?

Cho con học kỹ năng sống: Nên hay không?

VOV.VN -Sự nở rộ của các khóa học kỹ năng sống khiến phụ huynh như lạc vào một “mê hồn trận” không biết phải lựa chọn thế nào cho đúng.