Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo
(VOV) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Nghị định quy định về hoạt động tín ngưỡng; về tổ chức tôn giáo; hoạt động tôn giáo của tín đồ, nhà tu hành, chức sắc và tổ chức tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân (ảnh: M.H) |
Nghị định nêu rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Trong đó nêu rõ: Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.
Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Về Lễ hội tín ngưỡng và việc tổ chức lễ hội, Nghị định cũng quy định: Lễ hội tín ngưỡng là hình thức hoạt động tín ngưỡng có tổ chức, thể hiện sự tôn thờ, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng tổ tiên, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Những lễ hội tín ngưỡng sau đây khi tổ chức phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi diễn ra lễ hội: Lễ hội tín ngưỡng được tổ chức lần đầu; Lễ hội tín ngưỡng được khôi phục lại sau thời gian gián đoạn; Lễ hội tín ngưỡng được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi về nội dung, thời gian, địa điểm so với trước….
Nghị định cũng quy định rõ việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo; đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo…
Nghị định này gồm 5 chương, 46 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
Nghị định này thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo./.