Ngộ độc thực phẩm tại trường học - Ác mộng không hồi kết
VOV.VN - Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra tại trường học trong vòng 10 ngày qua đã khiến các phụ huynh lo lắng và bức xúc. Mất an toàn thực phẩm tại trường học dường như là cơn “ác mộng” đối với hàng triệu phụ huynh có con đang tuổi đến trường.
Sau khi cơ quan chức năng chỉ ra nguyên nhân gây ngộ độc cho hơn 600 học sinh tại trường Ischool Nha Trang là do 3 loại vi khuẩn nguy hiểm tồn tại trong món cánh gà chiên, một đầu bếp nổi tiếng cũng là phụ huynh của 2 cậu con trai đang tuổi đến trường đã vô cùng bức xúc. Bằng kiến thức chuyên môn của mình, vị phụ huynh này thẳng thắn nhận định, lỗi không nằm ở món cánh gà chiên mà lỗi nằm ở những người lo bữa ăn cho các con, rằng những người này đã không có đủ trách nhiệm và kiến thức để chế biến bữa ăn an toàn cho học sinh của mình.
Đây không chỉ là lần đầu xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học, đây cũng không phải là lần đầu các em học sinh phải ăn những thực phẩm không an toàn. Thế nhưng, vì sao các em vẫn là người phải đối mặt với sự nguy hiểm luôn rình rập từ sự vô trách nhiệm của những người giữ trọng trách lo ăn uống tại trường cho các em?
Vẫn biết, để chế biến và cung cấp các suất ăn tập thể một cách an toàn là điều không đơn giản, nó đòi hỏi một quy trình vệ sinh nghiêm ngặt từ khâu nhập nguyên liệu, bảo quản, chế biến, vật dụng chế biến, nhà bếp, vật dụng chứa đựng đồ ăn…. Thế nhưng, thật đáng buồn, qua chiến dịch kiểm tra rầm rộ tại nhiều địa phương mới đây, phần lớn các bếp ăn tập thể tại trường học đều tồn tại nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm như thức ăn chín không được bảo quản kín, thiếu dụng cụ che đậy, thùng rác lộ thiên, công tác sơ chế thực phẩm thậm chí vẫn thực hiện dưới nền nhà, nhiều trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất đối với các đơn vị cung cấp thực phẩm ….
Trên thực tế cũng đã có những bếp ăn trường học được đầu tư bài bản nhưng ai dám khẳng định những bếp ăn này được vận hành đúng quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc cũng có khi, bếp ăn chỉ được dựng lên để “quảng cáo” còn đồ ăn thì được tuồn từ bên ngoài vào với chất lượng thực phẩm không được kiểm định.
Không ít trường học cũng đã thành lập tổ, ban kiểm tra thực phẩm bếp ăn tại trường với đầy đủ thành phần, ban bệ nhưng dường như sự an toàn chỉ được đảm bảo bằng “niềm tin” bởi công tác giám sát vẫn đang được thực hiện bằng mắt thường mà không có bất cứ thiết bị chuyên dụng nào để phân tích các chỉ số an toàn trên thực phẩm.
Cho dù thế nào thì những vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học cũng đã diễn ra và kéo dài. Vụ việc tại trường Ischool Nha Trang được coi là quy mô và nghiêm trọng nhất khi đã có học sinh tử vong vì ngộ độc thực phẩm.
Và vẫn như mọi khi, sau vụ ngộ độc là sự vào cuộc của ngành y tế, ngành giáo dục – đào tạo với sự tăng cường, kiểm tra, giám sát về chuyên môn đối với các cơ sở để xảy ra sự việc. Thậm chí, với vụ việc nghiêm trọng tại trường Ischool Nha Trang, cơ quan công an Khánh Hòa cũng đã tiến hành khởi tố vụ án vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự.
Thế nhưng, điều mà các phụ huynh mong muốn là con em mình được cung cấp những bữa ăn chất lượng và an toàn chứ không mong chứng kiến các vụ ngộ độc xảy ra tại trường học, càng không mong chờ động thái quen thuộc “mất bò mới lo làm chuồng” của cơ quan chức năng hay chế tài xử lý pháp luật đối với các cơ sở vi phạm.
Thiết nghĩ, các địa phương, các cơ quan chức năng cần kiểm tra các bếp ăn trường học một cách thường xuyên. Tất nhiên, các trường học cũng cần đề cao trách nhiệm và thật tâm trong việc chăm lo bữa ăn cho học sinh, đảm bảo đúng quy trình thực hiện bữa ăn học đường, cung cấp những bữa ăn chất lượng và an toàn. Bởi đằng sau những bếp ăn tập thể tại trường học là sức khỏe và sinh mạng của rất nhiều em nhỏ.
Đừng để nỗi lo mất an toàn thực phẩm trở thành “ác mộng” không hồi kết./.