Người chăn nuôi gia cầm chờ đợi hướng dẫn phòng dịch cúm A/H7N9
VOV.VN - Người chăn nuôi gia cầm ở một số địa phương vùng núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa nhận được hướng dẫn phòng chống dịch cúm A/H7N9.
Hiện tại, mặc dù dịch cúm gia cầm A/H7N9 chưa xuất hiện ở Việt Nam, song công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh triển khai tương đối đồng bộ. Tuy nhiên, người chăn nuôi gia cầm ở một số địa phương vùng núi trên địa bàn tỉnh cho biết đến giờ họ vẫn chưa nhận được hướng dẫn về cách phòng, chống dịch cúm gia cầm của các cơ quan chuyên môn.
Người chăn nuôi gia cầm chờ đợi hướng dẫn phòng dịch A/H7N9. |
Thời điểm này, cúm A/H7N9 đã lan rộng ở Trung Quốc, riêng ở hai tỉnh giáp Móng Cái (Việt Nam) là Vân Nam và Quảng Tây đã có gần 100 người chết. Nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam qua các đường biên giới là rất cao nếu không có sự kiểm soát của cơ quan thú y trong vấn đề nhập lậu gia cầm và buôn bán, trao đổi gia cầm từ Trung Quốc vào nội địa sẽ có điều kiện phát sinh.
Bên cạnh chú trọng công tác quản lý buôn bán gia cầm tại các địa phương biên giới, thì công tác quản lý, hướng dẫn người dân phòng dịch tại các cơ sở nuôi gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn cũng không thể chủ quan vì dịch thường bùng phát tại những nơi nuôi gia cầm nhỏ lẻ này. Để chủ động về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm H7N9 trên địa tỉnh Quảng Ninh, ông Đoàn Duy Ái, Chi cục trưởng Chi cục thú y Quảng Ninh nhấn mạnh cúm A/H7N9 có triệu chứng bệnh không rõ ràng, không gây chết hoặc rất ít làm chết gia cầm, nhưng lại có nguy cơ rất cao lây sang người với độc lực mạnh hơn nhiều so với các loại cúm A khác như H1N1 hay H5N1.
Ông Đoàn Duy Ái cho biết: “Chi cục thú y đã tổ chức triển khai gấp về phòng chống dịch cúm A H7N9, thành lập 2 đoàn công tác và đi kiểm tra và đôn đốc. Tiếp tục duy trì hoạt động phòng chống dịch các địa phương và kiểm trước phòng chống dịch các địa phương không được chủ quan, lơ là. Và đặc biệt trong chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rất rõ, phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân không tiếp tay buôn bán rồi sử dụng những thực phẩm có xuất xứ từ gia cầm mà không rõ nguồn gốc”.
Tuy nhiên, khi trực tiếp tiếp xúc với một số chủ hộ chăn nuôi gia cầm tại huyện Tiên Yên, thì hiện tại vẫn chưa có đơn vị chuyên môn nào xuống hướng dẫn về phòng chống dịch. Ông Bùi Văn Tuấn, chủ trại gà cho biết, hiện tại một số hộ chăn nuôi ở đây đã chủ động phòng chống dịch bằng cách rắc vôi, phun thuốc khử trùng cho đàn gia cầm.
Ông Bùi Văn Tuấn nói: “Chúng tôi cũng chỉ biết rắc vôi với phun thuốc khử trùng, còn gà phòng dịch bằng cách tiêm thuốc trong vòng 2 tháng. Xã chúng tôi hầu đều chăn nuôi nhỏ lẻ, không có ai để hỏi, trên kia thì xa, mình không có điều kiện”.
Số ít hộ dân chủ động phòng chống dịch bằng cách rắc vôi, phun thuốc khử trùng cho đàn gia cầm. |
Còn bà Nông Thị Hiền, thôn Nà Buống cho rằng: “Tôi chỉ xem thời sự ti vi, rồi tự phun, tự chủ động làm, huyện có nhiều các trang trại nên chắc cơ quan chuyên môn cũng chưa đến kịp, chúng tôi cứ chủ động trước”.
Trước tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, người dân dường như vẫn thờ ơ hoặc chưa nắm được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Để phòng chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả, tránh lây lan thì rất cần sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và người dân để có những biện pháp phòng dịch bệnh A/ H7N9 tại hộ gia đình, trang trại, gia trại; kiên quyết xử lý các ổ dịch (nếu có) ngay từ khi mới phát hiện, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết cho công tác chống dịch./.
Ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhập qua biên giới
Hải Phòng tổ chức tiêm vacxin sớm, chủ động phòng chống dịch cúm H7N9