Người có uy tín nêu gương, làm mẫu giúp bà con thoát nghèo ở miền núi Khánh Hòa
VOV.VN - Hết năm 2024 này, 2 huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa hội đủ các điều kiện để thoát khỏi huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm sâu. Giảm nghèo, thoát nghèo là hành trình dài và đến nay đã mang lại nhiều kết quả nổi bật trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Miền núi thoát nghèo có sự đóng góp đáng kể của những người có uy tín tại địa phương. Tỉnh Khánh Hòa hiện có 35 dân tộc thiểu số, hơn 82.000 người sống chủ yếu tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Miền núi cũng là mảnh đất căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc. Ngày xưa, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ biết canh tác trên rẫy, chưa quen làm lúa nước. Các cán bộ miền xuôi đưa cây lúa nước lên khai hoang, canh tác, tự túc lương thực tại căn cứ.
Bà Cao Thị Xiêng, dân tộc Raglay, thôn Suối Lách, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh được cán bộ trong căn cứ hướng dẫn, bắt đầu làm lúa nước từ những năm gian khổ đó. Sau năm 1975, vợ chồng bà Xiêng lựa chọn những khu đất bằng phẳng, sát sông, suối để khai hoang, làm ruộng. Những gốc cây rừng, bụi tre lớn được vợ chồng bà dọn sạch, san phẳng, đắp bờ, dẫn nước từ suối vào làm ruộng. Vợ chồng bà đều là đảng viên nên làm trước để bà con Raglay làm theo. Không chỉ hướng dẫn bà con mà vợ chồng bà còn hỗ trợ giống giúp những người xung quanh.
Bà Cao Thị Xiêng kể: "Hai vợ chồng tôi tự khai hoang, phá những gốc cây 2-3 người ôm lại có nhiều gai nữa. Mỗi năm phấn đấu khai hoang 2 sào, sau đó cho mỗi hộ dân 1 đám ruộng. Dân ở đây thấy như vậy mới học hỏi, khai hoang theo. Trước đó, thì bà con ở đây chưa biết làm bờ ruộng, chưa biết cấy lúa, cấy như đi cắm chông. Rất khó làm lúa nước, bà con phải học hỏi dần dần".
Trước đây, đồng bào Raglai canh tác dựa vào nương rẫy, người dân chỉ quen làm lúa rẫy, năng suất thấp, mỗi héc ta chỉ thu từ 2-3 tấn/năm. Mỗi mùa lúa kéo dài đến 6 tháng, lệ thuộc nước trời nên năm được, năm mất. Đói, nghèo cứ dai dẳng đeo đuổi bà con. Hơn 20 năm trước, tỉnh Khánh Hòa phát động chương trình phát triển kinh tế- xã hội miền núi, nhà nước làm thủy lợi, khai hoang, cấp ruộng, phát giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con. Lúc này, vai trò của những đảng viên người dân tộc thiểu số tại thôn, xóm được phát huy. Lúa nước 1 năm có thể làm 3 vụ, lượng lúa thu về cao gấp nhiều lần lúa rẫy nên nhiều bà con đã mạnh dạn làm theo, đến nay diện tích lúa nước tại Khánh Vĩnh đã hơn 2.000 héc ta.
Chị Cao Thị Luôn, ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh cho biết: "Bà Xiêng làm trước sau đó chỉ cho con cháu làm sau, mãi rồi cũng biết làm. Nhà nào có ruộng cũng biết làm hết. Bắt đầu là dẫn nước vô, đắp bờ, mướn người cày sau đó cuốc mấy chỗ mà máy cày không được. Sau đó, người ta cày lại lần nữa thì mình gieo lúa giống, xịt thuốc, rải phân, cấy, chăm bón. Nếu lúa rẫy chỉ làm được 1 vụ, lúa nước không chỉ năng suất hơn mà còn làm được 3 vụ".
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2024, huyện Khánh Vĩnh hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí 25,3 tỷ đồng. Các hộ dân được hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Huyện Khánh Vĩnh đang thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với các hộ dân; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra cho sản phẩm hàng hóa; quan tâm phát triển du lịch sinh thái gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, địa phương phát huy hữu hiệu vai trò nêu gương trong sản xuất, kinh doanh của các già làng, người có uy tín.
Bà Ka Tông Thị Mến, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Chia sẻ lại kinh nghiệm họ đã làm ăn, biết cách tích lũy để tiếp tục đầu tư cho con cái, gia đình. Các thế hệ đi sau trong cộng đồng học hỏi, phát triển đi lên. Địa phương tổ chức chương trình nêu gương điển hình điển tiên tiến đối với những người đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn, sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Ở miền núi Khánh Hòa không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn có nhiều tấm gương sáng về buôn bán".
Thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Huyện Khánh Sơn đã có vùng trồng sầu riêng 2.300 ha; huyện Khánh Vĩnh có vùng trồng bưởi da xanh khoảng 700 ha. Nông dân cùng nhau tập hợp, mở rộng quy mô sản xuất và không ngừng nâng cao chất lượng nông sản.
Ông Lê Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay, vùng miền núi đã có 19 hợp tác xã có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: "Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay, bà con khó khăn về kỹ thuật, khi vào hợp tác xã sẽ được huấn luyện. Chúng tôi cũng có những mô hình nông dân khá giúp nông dân khó, đối tác 1-1 như vậy sẽ giúp bà con làm tốt hơn kỹ thuật sản xuất theo cách cầm tay chỉ việc. Qua đó, nâng cao kỹ năng canh tác những vườn trái cây, nông sản tốt hơn, ra những mẫu mã sản phẩm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường".