Người gìn giữ nét văn hóa dân gian

Nghề làm đồ chơi dân gian với những món như ông tiến sỹ, ông đánh gậy trông trăng, đèn ông sao...cho trẻ em chơi trong đêm Rằm Trung thu gần như không còn nhiều trong các làng nghề

Người còn lại của làng làm đồ chơi dân gian

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề làm đồ chơi dân gian ở thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội - một làng nghề truyền thống làm hàng mã, tượng giấy và đồ chơi dân gian. Chị Nguyễn Thị Tuyến đã có 40 năm gắn bó với nghề.

Chị không biết mình là đời thứ mấy trong gia đình làm nghề này, chỉ biết khi lớn lên đã thấy cụ nội làm rồi.

Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, sự du nhập của các trò chơi ngoại, nghề xưa của làng Hậu Ái cũng mai một theo thời gian. Hiện làng nghề này không còn ai làm trò chơi dân gian bằng giấy nữa ( PV ).

Chị Tuyến đang làm đồ chơi dân gian

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Tuyến khi còn 15 ngày nữa mới đến Trung thu nhưng nhà của chị đã bày la liệt những đồ chơi ông đánh gậy trông trăng, ông tiến sỹ đang chờ được phơi khô và từng chồng khung đèn ông sao, đèn cá chép đang chuẩn bị được trang trí giấy màu.

Theo chị kể lại, trước đây các trò chơi cho trẻ trong đêm Trung thu được gia đình chị và những người dân trong làng bán tại các chợ ở các vùng quê và làm theo đơn đặt hàng. Mỗi năm cứ đến đầu tháng 8 âm lịch cả làng tấp nập vui như có hội. khoảng 15 năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường ngày càng đổi thay, nhiều người dân trong làng đã bỏ nghề chuyển sang làm việc khác.

Vừa khéo léo dán hình ông đánh gậy trông trăng, chị Tuyến tâm sự: Làm đồ chơi dân gian cho trẻ thơ, nếu chỉ vì lợi ích kinh tế, vợ chồng tôi và các con chẳng thể giữ nghề đến hôm nay. Những thứ đồ chơi mà chúng tôi đưa ra giới thiệu với các em nhỏ, ngoài mang lại niềm vui phá cỗ trong  đêm trăng Rằm còn có ý nghĩa giáo dục các em văn hoá của dân tộc Việt.

Chẳng hạn như hình ông tiến sĩ với tư thế uy nghiêm, ngồi trên kiệu vàng mà các bậc phụ huynh thường mua tặng các em vào dịp trung thu cũng là thời điểm năm học mới. Cha mẹ, ông bà mua những món đồ chơi này là muốn gửi theo cả ước vọng con trẻ sẽ học hành chăm chỉ, đỗ đạt, nên người. Hay chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu, có gắn lá cờ Tổ quốc ở phía trên sẽ góp phần giáo dục cho các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống văn hoá của dân tộc.

Hấp dẫn và ý nghĩa là thế, nhưng để làm đồ chơi dân gian, người thợ thủ công cũng phải rất kiên trì, tỉ mỉ mới có thể hoàn thiện một món đồ chơi như ý.

Yêu nghề từ thuở ấu thơ

Chị Tuyến tâm sự, từ bé chị đã được làm quen với các loại đồ chơi bằng các nguyên vật liệu tự nhiên, nên chị thực sự hứng thú với công việc mình đang làm.

Dù đã ở gần 50 tuổi, khóe mắt đã hằn những vết chân chim nhưng nụ cười của chị vẫn tươi như con trẻ mỗi khi hoàn thành một sản phẩm.

Làm nghề từ khi mới 7 tuổi, chị đã cảm nhận được niềm vui của con trẻ khi có đồ chơi trong dịp trung thu. Nhiều năm bị ế hàng, chị vẫn cố gắng giữ nghề.

Các sản món đồ chơi trẻ em do gia đình làm chị có sự tinh sảo, mỗi ông tiến sĩ giấy mang một nét vẽ, sắc phục khác nhau khá hấp dẫn, ông đánh gậy trông trăng thì hình gậy có hình vòng cung, khi đang nhảy múa…

Chi Nguyễn Thị Tuyến

Nghề làm đồ chơi dân gian đã mang lại cho chị niềm vui trong cuộc sống, giải quyết được thời gian nhàn rỗi của nghề nông. Còn về hiệu quả kinh tế thì thấp hơn so với nghề việc làm khác. Chị cho biết: Người thạo việc 1 ngày cũng chỉ làm được 5 ông tiến sĩ, mỗi ông bán được 15.000đ, trong khi nguyên vật liệu đã mất hơn 4.000đ/ông.

Yêu trẻ và hòa cùng tâm hồn của trẻ nên cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm chị lại cùng với chồng cất công mua tre, nứa chuẩn bị cho Trung thu năm sau. Việc chọn lựa tre, nứa cũng cần hết sức kỹ càng, phải chọn cây bánh tẻ, không bị mối mọt, có độ bền, rồi đem ngâm, phơi ...

Những năm gần đây, năm nào gia đình chị cũng được Bảo tàng Dân tộc học, Ban quản lý Ngôi nhà di sản ở phố cổ Mã Mây mời giao lưu, hướng dẫn các em nhỏ làm các đồ chơi mang đậm truyền thống văn hoá của người Việt.

Ngoài việc sản xuất các mặt hàng phục vụ các em nhỏ, chị còn tham gia các hoạt động từ thiện công ích trong các dịp lễ Trung thu. Đã có rất nhiều nơi mời chị đến tham gia hướng dẫn các em nhỏ tự làm đồ chơi. Không chỉ dạy cho các em nhỏ, chị còn truyền dạy cho khá nhiều sinh viên ở các trường đại học trong nước và  nước ngoài đến du lịch.

Những đứa trẻ thôn Hậu Ái, xã Vân Canh đang say sưa với đồ chơi dân gian

Mong ước của chị Tuyến là đồ chơi Trung thu dân gian sẽ ngày càng được người dân tin dùng hơn, hướng con trẻ đến những trò chơi mang tính truyền thống của người Việt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên