Người lính kể chuyện 10 năm chiến đấu chống Pol Pot
VOV.VN -Đội quân tình nguyện Việt Nam luôn coi chiến đấu giúp Campuchia như nhiệm vụ chiến đấu ở chính đất nước mình.
“Giúp bạn là tự giúp mình”
Đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia; thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, sát cánh cùng lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Tháng 6/1978, Thượng tá Nguyễn Hữu Sự-nguyên Trợ lý tác chiến Lữ đoàn pháo binh 24 quân đoàn 4 Quân đội Nhân dân Việt Nam được vinh dự đứng trong hàng ngũ Quân tình nguyện Việt Nam lên đường sang Campuchia giúp nước bạn xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot, tiến hành xây dựng lại đất nước.
Thượng tá Nguyễn Hữu Sự |
35 năm đã trôi qua nhưng cho đến nay, những kỷ niệm, thời khắc sóng gió “vào sinh ra tử” ở chiến trường Campuchia vẫn còn nguyên trong ký ức, trong sâu thẳm tâm trí của Thượng tá Nguyễn Hữu Sự.
Chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng với bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, quân tình nguyện Việt Nam đều chắc tay súng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, coi nhiệm vụ chiến đấu giúp bạn như nhiệm vụ chiến đấu của chính mình.
Ông Nguyễn Hữu Sự nhớ lại, mùa khô ở chiến trường Campuchia, nước sạch để uống và sinh hoạt vô cùng thiếu thốn, anh em phải khắc phục bằng cách đi lấy nước ở ao tù cách nơi đóng quân hàng chục cây số, mang về khử trùng bằng phèn chua trước khi dùng. Thực phẩm không nhiều, thường xuyên anh em chiến sĩ ăn cơm với nước mắm tôm đun sôi, rau dại hái trong rừng… Thế nhưng, những khó khăn đó không hề làm các chiến sĩ nản chí mà ngược lại, họ càng có động lực để vượt qua mọi khó khăn kiên cường chiến đấu trên nước bạn.
Ở nơi rừng thiêng, nước độc và luôn phải đối mặt với bao hiểm nguy, không chỉ vượt qua mọi gian khổ đến phi thường mà các đội quân tình nguyện Việt Nam còn rất mưu trí, gan dạ. Điều đó được thể hiện rất rõ trong những lần cán bộ, chiến sĩ đi trinh sát kế hoạch, hành động của các đối tượng Pol Pot. Để nắm rõ từng mục tiêu, hành động chống phá của kẻ thù, từng chiến sĩ đã phải mưu lược, khôn khéo vào tận “hang cọp” nhưng vẫn đảm bảo an toàn lấy được thông tin trở về doanh trại.
Trong chiến đấu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng luôn là trọng trách sống còn và trên hết. Có những đêm tối, mưa tầm tã, thời tiết nóng ẩm, tập thể cán bộ, chiến sĩ đã chia sẻ với nhau từng giấc ngủ để đảm bảo an toàn cho kho vũ khí, xe chở súng, thùng đạn…
Đối với cựu chiến binh Nguyễn Hữu Sự, những khắc nghiệt tại chiến trường không phải là vấn đề chính của quân tình nguyện. Bọn Pol Pot luôn dùng mọi thủ đoạn, âm mưu, hù dọa, lôi kéo nhân dân Campuchia chống lại quân tình nguyện Việt Nam. Vì vậy, công tác dân vận của quân tình nguyện Việt Nam trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Bằng tình cảm và thông qua công tác cứu đói, chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa giúp dân, giao lưu văn hóa-thể thao, đội quân tình nguyện Việt Nam đã củng cố được niềm tin trong nhân dân, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa quân tình nguyện với nhân dân Campuchia.
Tình cảm quyến luyến giữa quân đội Việt Nam và nhân dân Campuchia (ảnh: vnmilitaryhistory) |
Người thân như bờ vai giúp các chiến sĩ yên tâm chiến đấu
Góp phần để quân tình nguyện Việt Nam yên tâm làm nhiệm vụ quốc tế, không thể không kể đến sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, những người mẹ, người vợ của họ nơi hậu phương hàng ngày, hàng đêm trông mong, đếm thời gian họ vắng nhà. Vợ ông Sự là một trong số đó! Cho đến tận hôm nay, bà vẫn nhớ chính xác con số 3.650 ngày ông xa nhà.
Ông Nguyễn Hữu Sự làm nhiệm vụ tại nước bạn khi là chàng thanh niên 26 tuổi. Gian khổ, hiểm nguy không làm ông chùn bước.Thế nhưng, lòng người lính trẻ như thắt lại khi đọc bức thư của người vợ trẻ bày tỏ sự động viên, kể chuyện 2 con cứ chiều đến là cùng đám bạn ra cổng đón bố. Bố của những đứa trẻ kia đã về rất lâu rồi mà vẫn chưa thấy bố mình. Hai anh em tự nhủ, thôi về nhà, và ngày mai lại ra đón… Ông Sự nén lòng lại, giấu đi những giọt nước mắt để khỏi làm nhòe những dòng chữ trên lá thư. Trước mắt ông là phải hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Giữa nơi chiến tuyến xa xôi, sợi chỉ giúp người ở lại và người ra đi vững tâm chiến đấu, hy vọng và có thêm niềm tin vào sự sống có lẽ chỉ thông qua những bức thư hay những kỷ vật quen thuộc nhưng rất đỗi thiêng liêng như chiếc khăn len, khăn mùi xoa thêu hình đôi chim bồ câu do chính tay người mẹ, người vợ, người yêu trao tặng các chiến sĩ.
Giữ gìn giá trị tình đoàn kết hữu nghị
Những kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trong ký ức của Thượng tá Nguyễn Hữu Sự là hình ảnh nhân dân Campuchia lưu luyến tiễn biệt quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ trở về năm 1979.
Giữa một biển người, rừng cánh tay cầm cờ hoa trong niềm vui chiến thắng vẫy mãi không thôi dài hàng chục cây số, từ bến phà Niếc Lương đến biên giới cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Những nụ cười hòa lẫn với dòng nước mắt của hàng triệu trái tim mong mỏi ngày hòa bình vẫn hiện lên trong trí nhớ của người lính già.
Lữ đoàn pháo binh 24 quân đoàn 4 năm xưa trong ngày họp mặt |
35 năm - một nửa đời người đã trôi qua, nhưng những giá trị của tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, sự hy sinh xương máu vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, giải phóng nhân dân Campuchia… vẫn còn nguyên giá trị.
Tại lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, ngài Heng Samrin, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia đã nhấn mạnh: “Nhân dân Campuchia mãi mãi tri ân công lao của Đảng, Nhà nước và quân đội Nhân dân Việt Nam. Xin khắc ghi trong lịch sử của mình để nhắc nhở cho con cháu muôn đời sau. Chúng tôi luôn coi mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa Campuchia và Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia là tài sản vô cùng quý giá, đòi hỏi đất nước Campuchia chúng tôi phải cố gắng gìn giữ, bảo vệ trường tồn”.
Vì hòa bình, độc lập, tự do cho nhân dân hai nước, hàng trăm quân tình nguyện Việt Nam năm xưa đã ngã xuống nơi chiến trường Campuchia, nhiều người đã để lại một phần thân thể ở nơi xa xôi, có người mà đến nay chưa tìm thấy hài cốt…
May mắn là một trong những cán bộ của Lữ đoàn pháo binh 24 quân đoàn 4 sống sót từ những “cánh đồng chết” trở về, Thượng tá Nguyễn Hữu Sự vẫn luôn nhớ và hướng về đồng đội năm xưa bằng những hoạt động thiết thực như kêu gọi vận động giúp đỡ, ủng hộ các cựu chiến binh, gia đình thương binh, liệt sĩ vượt qua mọi khó khăn…
Với vai trò là Trưởng ban liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia của Lữ đoàn pháo binh 24 quân đoàn 4 ở phía Bắc, ông Nguyễn Hữu Sự vẫn thường xuyên liên lạc với những đồng đội của mình, giúp tình cảm giữa những người lính năm xưa ngày càng gắn bó. Và đã trở thành thông lệ, cứ 2 năm một lần, hàng trăm cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam của Lữ đoàn năm xưa lại tổ chức gặp mặt, ôn lại kỷ niệm với niềm tự hào của những người lính “bộ đội Cụ Hồ”./.